Sản phẩm OCOP Quảng Nam chờ vươn xa

Qua hơn 6 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP”, Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm. “Nguyên nhân từ đâu? Khắc phục ra sao?” là những vấn đề cần được nhìn nhận.

Thời gian qua, việc quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Ảnh: N.P

Nhận diện hạn chế, vướng mắc

Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến cuối năm 2023 Quảng Nam hoàn thành đánh giá phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP cấp huyện, cấp tỉnh và đã phát triển được 407 sản phẩm.

Trong đó, nhóm thực phẩm có 302 sản phẩm; nhóm đồ uống 32; nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 24; nhóm thủ công mỹ nghệ 47; nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng – du lịch sinh thái và điểm du lịch 2 sản phẩm.

Trong 407 sản phẩm đã đạt hạng sao OCOP, có 61 sản phẩm đạt 4 sao và 346 sản phẩm đạt 3 sao; hiện có 246/407 sản phẩm từ 3 sao trở lên còn hiệu lực.

Nhìn nhận hạn chế trong phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, những năm qua số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia sản phẩm OCOP chưa nhiều.

Chủ thể là hộ sản xuất – kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP chiếm tỷ lệ tương đối cao (50% tổng số chủ thể tham gia OCOP) nhưng đa số có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản lý và điều hành còn hạn chế.

Đáng chú ý, công tác phát triển, nâng hạng sản phẩm còn chậm. Toàn tỉnh hiện có gần 85% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhiều sản phẩm đã được công nhận 3 sao nhưng các chủ thể chưa thật sự tâm huyết để nâng hạng sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất phát triển sản phẩm.

Nhóm các sản phẩm thô còn nhiều, một số sản phẩm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo. Đáng chú ý, việc rà soát, định hướng sản xuất OCOP cho các chủ thể đăng ký sản phẩm còn lúng túng; quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định chưa được quan tâm đúng mức…

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai nhưng thực tế cho thấy vẫn còn manh mún, thiếu đồng bộ.

Bên cạnh đó chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP. Các trung tâm, điểm bán hàng OCOP còn yếu về năng lực và hiệu quả hoạt động…

Tại hội nghị kết nối giao thương giữa các chủ thể sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024, do Sở NN&PTNT tổ chức cuối tuần qua, đại diện 6 chủ thể OCOP của Quảng Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ kết nối giao thương với 6 siêu thị, doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh.

Lắng nghe từ chủ thể

Ông Tống Phước Thuần – đại diện HTX Dịch vụ nông nghiệp – chế biến – kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên (Tiên Phước) cho biết, hiện đơn vị có 2 sản phẩm chủ lực là rượu vang lòn bon được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ đã đạt chuẩn OCOP 4 sao và muối tiêu Tiên Phước đang hoàn tất hồ sơ đề nghị thẩm định xếp hạng sao OCOP.

3.jpg

Các ngành, các cấp cần tích cực hỗ trợ chủ thể OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: N.P

Những năm qua, mặc dù HTX rất nỗ lực nhưng việc tiêu thụ 2 loại sản phẩm trên vẫn chưa như kỳ vọng. Bình quân hằng tháng, đơn vị chỉ cung ứng ra thị trường 100 chai rượu vang lòn bon (mỗi chai có giá 300 nghìn đồng) và 2.000 lọ muối tiêu Tiên Phước (giá từ 25.000 – 70.000 đồng/lọ, tùy theo loại).

“Mong muốn của HTX là thời gian tới đưa 2 sản phẩm trên vào bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và kết nối cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng, đại lý ở nhiều nơi trên cả nước. Qua đó, nâng cao sản lượng tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu, lợi nhuận” – ông Thuần nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thu – chủ hộ sản xuất – kinh doanh Đại Bình Xanh (Nông Sơn) cho hay, hiện nay cơ sở của bà có 2 loại sản phẩm chính là mứt vỏ bưởi và trà vỏ bưởi. Mặc dù chất lượng sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng đánh giá cao nhưng những năm qua việc tiêu thụ gặp khó khăn.

“Tôi đề xuất các cấp, ngành thời gian tới cần quan tâm hỗ trợ tổ chức các buổi livestream, mời chuyên gia và người nổi tiếng về tham gia để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Quảng Nam. Qua đó, giúp các chủ thể kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…” – bà Thu nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Sương – Phó Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ khẳng định, việc đưa các sản phẩm OCOP vào bày bán tại siêu thị không phải là chuyện khó. Co.opMart Tam Kỳ luôn cử người hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP về hồ sơ, thủ tục liên quan để đưa sản phẩm vào siêu thị.

Theo bà Sương, các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3-4 sao thì hồ sơ pháp lý và chất lượng đã đảm bảo yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề các chủ thể sản phẩm OCOP cần lưu ý là phải bảo đảm đầy đủ thông tin nội dung của nhãn hàng hóa.

Cạnh đó, mỗi sản phẩm, dòng sản phẩm đều có mã vạch riêng. Đối với những sản phẩm sạch và giá bán cao thì các chủ thể phải làm sao cho khách hàng thấy được sự khác biệt của sản phẩm để chấp nhận mua hàng…

Ông Trần Viết Hùng – Giám đốc Công ty CP Quế Trà My thông tin, công ty sắp khai trương và đưa vào hoạt động 2 siêu thị lớn tại TP.Đà Nẵng, chuyên cung cấp các loại sản phẩm OCOP của Việt Nam và một số nước như Thái Lan, Nhật Bản…

“Chúng tôi mong muốn kết nối với các chủ thể OCOP của Quảng Nam để đưa sản phẩm vào các siêu thị của công ty” – ông Hùng cho hay.

Nhã Phương

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn