Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm cà phê của hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông lâm nghiệp Ta Lư tại Hội chợ Thương mại 2023 huyện Hướng Hoá – Ảnh: H.T
Lựa chọn cây sen được trồng từ chính đồng đất quê hương để khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hiếu, ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà đã vượt qua nhiều khó khăn như: cây trồng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nên năng suất thấp, ốc bươu vàng phá hoại, thiếu vốn, thiếu nhân lực…
Nhưng với quyết tâm cao và kiên trì vượt khó, chị Hiếu từng bước khắc phục khó khăn, sau hơn 10 năm gây dựng thành công 5,8 ha sen ở nhiều địa phương trong tỉnh trồng theo hướng hữu cơ cho sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Mô hình này mang lại cho chị Hiếu thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, cơ sở của chị Hiếu có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận OCOP như: tim sen, hạt sen tươi, hạt sen khô, ngũ cốc hạt sen và đã được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
“Tôi sẽ tiếp tục hành trình khơi nguồn tinh túy từ nông sản địa phương để cho ra đời thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đặc sắc khác nhằm lan tỏa tình yêu thiên nhiên, cây cỏ và mang nguồn thực phẩm sạch từ sen đến với mọi người”, chị Hiếu chia sẻ.
Cũng xuất phát từ mong muốn phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương với các loại nông sản đặc trưng, chị Trần Thị Lan, ở thôn Phương An, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất chế biến nông sản sạch, đưa sản phẩm đặc trưng vùng miền của Quảng Trị đến thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, cơ sở của chị đang sản xuất, chế biến và kinh doanh 12 sản phẩm làm từ nông sản sạch, trong đó có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP là bột gừng sấy lạnh; bánh cốm gạo lứt mè quê và ngũ cốc cao cấp.
Chị Lan chia sẻ, hiện nay, với các sản phẩm được sản xuất từ nông sản quê nhà tiêu thụ khá thuận lợi, doanh thu từ năm 2021 đến nay đạt trên 1,2 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 7 lao động địa phương với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, cơ sở của chị Lan đã kết nối được với nhiều nhà phân phối lớn, các đại lý trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt sản phẩm bánh cốm gạo lứt mè quê đã được khách hàng tin dùng và phân phối số lượng lớn.
Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ và vận động phụ nữ thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển KT-XH, trong đó có chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của hội viên phụ nữ ở các địa phương về sản xuất sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về vùng nguyên liệu, văn hoá truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm cho người lao động; đây cũng là nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM.
Đồng thời, tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số, hình thành không gian để phát huy, tạo sự lan tỏa về các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Hội cũng đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, Global Gap đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; quy trình xây dựng, nhân rộng mô hình theo hướng liên kết sản xuất chuỗi giá trị.
Hỗ trợ, giúp đỡ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hướng dẫn đăng ký nhãn mác sản phẩm. Tích cực vận động hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi khởi nghiệp “Xây dựng ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp gắn với việc phát huy tài nguyên bản địa” do TƯ Hội và Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Mặt khác, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với các sở, ngành liên quan đưa sản phẩm của phụ nữ đến với nhiều tỉnh, thành phố để quảng bá; đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế… Qua đó, đã có nhiều hộ kinh doanh ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua chương trình OCOP, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa. Nhiều sản phẩm đã và đang dần khẳng định thương hiệu, có chỗ đứng nhất định trên thị trường, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên như: bánh tét Đại An Khê của THT bánh tét Đại An Khê (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng); bánh ít lá gai Sáu Nhàn của cơ sở sản xuất bánh ít lá gai Lê Thị Sáu (xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong); miến ngũ sắc Loan Hảo của cơ sở sản xuất Loan Hảo (xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh)…
Đến nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP, trong đó chủ thể nữ đóng vai trò quản lý điều hành doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất chiếm trên 50%. Ngoài ra các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất còn lại đều có sự tham gia tích cực, thường xuyên của phụ nữ trong các khâu sản xuất, kinh doanh.
Để nâng cao nhận thức của chị em về việc phát triển kinh tế gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên khởi nghiệp sản phẩm OCOP, làm tốt công tác tuyên truyền để hội viên phụ nữ và Nhân dân tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thu Hạ
Báo Quảng Trị – baoquangtri.vn