Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Thời gian qua, cùng với phát triển sản xuất, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển bền vững.
Sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng – Ảnh: L.A
Cam Lộ là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng đạt chuẩn 3 sao, 4 sao nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP của Cam Lộ đều ghi dấu ấn bởi sản phẩm gắn liền với vùng nguyên liệu, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài. Hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn có 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: tinh chất dược liệu dưỡng da cho mẹ và bé Peamom, tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San và cao thảo dược gội đầu Mộc Mây.
Để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, HTX đã liên kết với 300 hộ dân của các xã Cam Thành và Cam Thủy xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích 30 ha để trồng các loại cây dược liệu. Hằng năm, HTX sản xuất, đưa ra thị trường hơn 3.500 lít tinh dầu các loại, hơn 35.000 sản phẩm từ dược liệu. Doanh thu của HTX đạt trên 6 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho người dân với thu nhập khoảng 65 triệu đồng/người/năm.
Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ cho biết, khi các sản phẩm của HTX được công nhận đạt sao OCOP, sản phẩm được thị trường đón nhận, nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.
Do vậy, huyện Cam Lộ đã tạo điều kiện cho HTX xây dựng vùng nguyên liệu để phục vụ chế biến, sản xuất. Cơ chế, phương thức trong mô hình liên kết giữa HTX với các hộ dân là HTX cung cấp cây giống, hướng dẫn quy trình, giám sát quá trình sản xuất và thu mua làm nguyên liệu đầu vào cho HTX.
Từ khi HTX hình thành được vùng nguyên liệu đã giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Tạo điều kiện để các hộ dân đổi mới quy trình kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Đồng thời, giúp HTX tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn, góp phần bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng phục vụ người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, điểm nổi bật của sản phẩm OCOP ở huyện là các sản phẩm từ sản xuất thuần túy nay đã có những thay đổi rõ nét với quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu; chất lượng ngày càng được nâng cao, bao bì, nhãn mác bắt mắt, được thị trường đón nhận.
Nhiều chủ thể OCOP đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng như HTX dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy… Các địa phương cũng đã đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất, tạo vùng nguyên liệu để chế biến sâu các sản phẩm, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị có hiệu quả. Qua đó, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Linh cũng thừa nhận, những vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn huyện hiện vẫn đang còn ở quy mô nhỏ.
Do vậy, để đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh, thời gian tới, huyện Cam Lộ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương, chủ thể OCOP tập trung phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, theo các tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP; xây dựng mã số và thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP…
Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người sản xuất rừng bảo tồn, khoanh nuôi và khai thác hợp lý các cây dược liệu dưới tán rừng để liên kết với các cơ sở, HTX chế biến gắn với đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP huyện, tỉnh và cả nước.
Có thể khẳng định rằng, nguyên liệu đầu vào là vấn đề sống còn đối với nhiều chủ thể sản xuất OCOP.
“Có bột mới gột nên hồ”, nếu thiếu nguyên liệu thì sẽ sản xuất cầm chừng, không mở rộng được quy mô, không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, sản xuất theo hướng hàng hóa…
Đồng thời, tập trung hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, chủ đề của chương trình OCOP năm 2024 là “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của địa phương”.
Phấn đấu nâng cấp, tiêu chuẩn hóa và công nhận thêm 25 – 30 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 4 sao; đánh giá và công nhận lại cho các sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận năm 2021, hỗ trợ nâng hạng sao cho các sản phẩm đã được công nhận giai đoạn 2021 – 2023. Tiếp tục triển khai hoàn thiện 1 dự án phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, 1 dự án phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch giai đoạn 2023 – 2025.
Củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp; có 4 – 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, chủ lực của từng địa phương, có liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất bền vững.
Lê An
Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn