Các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã nông sản Khe Sanh đều được đưa lên các nền tảng số để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận -Ảnh: L.A
Nếu như trước đây, các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa chủ yếu tiêu thụ qua các kênh thương mại truyền thống thì hiện nay thông qua các nền tảng số, khách hàng ở khắp mọi nơi đều có thể dễ dàng tìm kiếm, đặt mua sản phẩm của HTX chỉ bằng những thao tác đơn giản.
Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết, HTX hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ngoài ra, các sản phẩm của HTX cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR, giúp thuận tiện tra cứu, theo dõi nguồn gốc, quy trình chế biến sản phẩm. Nhờ đó, mức độ tín nhiệm của khách hàng với sản phẩm được nâng lên rõ rệt.
Hiện tại, ngoài các kênh bán hàng truyền thống, HTX còn tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Postmat; qua mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok…
Ước tính khoảng 20 – 30% số lượng sản phẩm OCOP của HTX được tiêu thụ thông qua nền tảng số. “Đây không những là kênh bán hàng hiệu quả, mà chúng tôi còn có thể cập nhật được thông tin, phản hồi của khách hàng, từ đó rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường”, bà Hằng khẳng định.
Còn với ông Lê Thanh Huệ, Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, nếu không có các kênh bán hàng online, các chủ thể OCOP sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Huệ cho biết, hiện diện tích liên kết trồng các loại dược liệu như tràm, sả, gừng, nghệ… lên đến trên 30 ha.
Hằng năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 10.000 sản phẩm các loại. Trong đó, các sản phẩm chính của HTX như tinh dầu tràm Mộc San, tinh chất dưỡng da cho mẹ và bé Peamom, tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Sản xuất một lượng sản phẩm lớn như vậy nhưng toàn HTX hiện chỉ có 7 lao động chính nên vấn đề phân phối sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả không như mong đợi.
Năm 2020, sau các cuộc tập huấn về bán hàng qua nền tảng số do Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) tổ chức, HTX quyết định tập trung phân phối sản phẩm qua kênh này.
Theo ông Huệ, nếu phát triển theo hình thức kinh doanh truyền thống thì sẽ tốn rất nhiều chi phí cho việc xây dựng đại lý, nhà phân phối, ký gửi hàng hóa, trả lương cho đội ngũ nhân viên… Trong khi việc phân phối sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, tham gia kênh bán hàng online thì ngoài nộp thuế theo quy định, nhà sản xuất chỉ phải tốn thêm chi phí quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, chi phí quảng cáo này thấp hơn rất nhiều so với việc phải xây dựng đại lý bán hàng truyền thống, thu hồi vốn nhanh và sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng. “Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp HTX dễ dàng giới thiệu, quảng bá và đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế”, ông Huệ cho hay.
Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí cho biết, toàn tỉnh hiện có 115 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh với 58 chủ thể gồm 16 HTX, 16 doanh nghiệp và 22 hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó có 42 sản phẩm OCOP 4 sao, 73 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm đang được UBND tỉnh đề xuất trung ương công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thời gian qua, Chi cục PTNT đã tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp với một số đơn vị quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử để tập huấn cho các chủ thể OCOP cài đặt, sử dụng tài khoản bán hàng, quy trình bán hàng trên nền tảng số; hướng dẫn các chủ thể cách chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng… ngay tại cơ sở sản xuất, từ đó tạo được niềm tin đối với khách hàng.
Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản.
“Đến nay toàn bộ các sản phẩm OCOP đều thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có trên 95% sản phẩm OCOP được đưa lên giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Lazada, Alibaba và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok. Rất nhiều chủ thể sản xuất đã tăng doanh thu, lợi nhuận và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua nền tảng số này”, ông Trí khẳng định.
Lê An
Báo Quảng Trị – baoquangtri.vn