Quảng Trị: Sức sống mới ở xã Hướng Việt (Hướng Hóa)

Hơn hai mươi năm kể từ khi chia tách từ xã Hướng Lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, bộ mặt nông thôn mới miền núi của địa phương đang từng ngày khởi sắc.


Thác Tà Puồng, điểm du lịch cộng đồng thu hút khách du lịch ở xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: K.S

Thôn Ka Tiêng có gần 80 hộ dân, trước đây người dân đa phần là hộ nghèo, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy, trong đó trồng lúa rẫy là chính. Do phương thức canh tác lạc hậu nên năng suất, chất lượng sản phẩm rất thấp, không đủ đảm bảo lương thực, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn.

Những năm trở lại đây, được Nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn cũng như cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, bà con Vân Kiều ở Ka Tiêng thay đổi dần cách thức sản xuất, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi trồng lúa rẫy sang trồng sắn nguyên liệu, đem lại nguồn thu nhập khá hơn và ổn định hơn.

Đến nay toàn thôn có trên 100 ha sắn, góp phần giúp nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, tận dụng diện tích đồng cỏ dồi dào, bà con đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê…

Nhờ đổi mới tư duy làm ăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên. Năm 2023, toàn thôn giảm được 7 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Ka Tiêng vinh dự được UBND tỉnh công nhận danh hiệu thôn văn hoá xuất sắc giai đoạn 2012-2016.

Trưởng thôn Ka Tiêng Hồ Văn Chí cho biết: “So với trước đây thì hiện nay đời sống người dân ở thôn được nâng lên rất nhiều.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về nhiều mặt, bà con rất phấn khởi, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động vươn lên phát triển sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chung tay xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp”.

Hướng Việt là xã vùng sâu, vùng xa phía Bắc huyện Hướng Hóa, có chung 12 km đường biên giới với nước bạn Lào, gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Ngày đầu mới thành lập, địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: đường sá cách trở, xa trung tâm huyện lỵ, đời sống KT-XH còn lạc hậu, dân trí thấp.

Vì vậy, Đảng bộ và chính quyền địa phương chủ động thực hiện phương châm “đi tắt, đón đầu”, nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật và triển khai thực hiện các chương trình dự án của Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia… quyết tâm sớm đưa Hướng Việt trở thành xã vùng khó phát triển nhanh và bền vững.

Nhân dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biết lựa chọn những mô hình sản xuất thích hợp để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình dân sinh ở Hướng Việt được xây dựng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm. Nhờ có đường Hồ Chí Minh đi qua đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương hàng hóa với các địa phương lân cận.

Đến nay, hệ thống thủy lợi trên toàn xã đã được đầu tư xây dựng và kiên cố hóa kênh mương nội đồng đảm bảo nước tưới 2 vụ/năm.

Các công trình phúc lợi cũng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, như: công trình nước sạch và hệ thống thủy lợi ở các thôn: Trăng – Tà Puồng, Tà Rùng, Ka Tiêng, Xà Đưng; 4/4 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; hệ thống điện chiếu sáng đạt gần 100%…

Các chương trình, dự án mang tầm chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: dự án 134, dự án 135; các chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đã hỗ trợ điều kiện sản xuất, nhất là về nguồn vốn, cây, con giống, kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân.

Đến nay, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm của xã đạt gần 250 ha, chủ yếu là lúa nước và sắn nguyên liệu, sản lượng bình quân của các loại nông sản đạt hơn 2 nghìn tấn/ năm. Toàn xã có hơn 5 nghìn con gia súc, gia cầm các loại, vừa đảm bảo được nguồn thực phẩm tại chỗ đồng thời xuất bán ra các địa phương khác, tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, người Vân Kiều ở đây bắt đầu biết khai thác tiềm năng về thiên nhiên và bản sắc văn hoá dân tộc để làm dịch vụ du lịch. Người dân chủ động tuyên truyền vận động, thành lập Tổ du lịch cộng đồng tại thôn Trăng – Tà Puồng, phục vụ du khách trải nghiệm rừng nguyên sinh, thác Tà Puồng và văn hoá bản địa.

Nhờ thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau cao hơn năm trước. Hiện xã có 1 trường học đã đạt chuẩn quốc gia cấp độ I vào năm 2022; 100% thôn bản và đơn vị đạt danh hiệu văn hoá, trong đó 2 thôn đạt danh hiệu văn hoá xuất sắc. Bản sắc văn hoá của người Vân Kiều từng bước được bảo tồn và phát huy…

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Hộ nghèo của xã giảm từ 74% năm 2004 xuống còn 53% vào cuối năm 2023 theo tiêu chí mới.

Chủ tịch UBND xã Hướng Việt Hồ Văn Sinh cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Hướng Việt quyết tâm đoàn kết, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Kêu gọi đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh kế của người dân; hỗ trợ sinh kế; bảo đảm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế của người dân. Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ, nhất là đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Vân Kiều. Khai thác tiềm năng về thiên nhiên và bản sắc văn hoá dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…”.

Kô Kăn Sương

Báo Quảng Trị – baoquangtri.vn