Các hộ trồng cam K4 Hải Phú đang chờ hoàn tất các thủ tục đánh giá lại chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận -Ảnh: T.T
Huyện Hải Lăng hiện có 15 sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao là nước mắm Mỹ An, 7 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao gồm bánh tét mặt trăng Đại An Khê, bánh lọc Huệ, ném Hải Dương, nước mắm Mỹ Thủy, ruốc bột bà Vầy, muối lạc rong biển, ngũ cốc Hải Linh. Có 7 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao hết hạn cần đánh giá xếp hạng lại, đăng ký nâng hạng vào cuối năm 2023 là tranh gạo Kiều Trân Phát, gạo Hải Lăng, cam K4, tinh bột nghệ Trần Kim Cử, muối đậu sả Phương Anh, nước súc miệng, tinh dầu tràm Bảo Ngọc.
Huyện Hải Lăng đã xác định chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế địa phương nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM nâng cao.
Theo đó, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2023-2025 với các nội dung cụ thể gắn với lộ trình phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức đánh giá xếp hạng cho 4 sản phẩm gồm ớt bột Hải Định, tương ớt Hải Phong, sen Hải Sơn, dầu gội phủ bạc của Công ty TNHH Tinh dầu Bảo Ngọc.
Để triển khai hiệu quả, UBND huyện đã chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn, tư vấn cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP có ý tưởng được chọn hoàn thiện phiếu đăng ký ý tưởng, triển khai phương án sản xuất, kinh doanh, xây dựng hồ sơ đánh giá, phân hạng. Triển khai các hoạt động tư vấn hỗ trợ phát triển sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm đã có, sản phẩm đã được công nhận cho phù hợp với bộ tiêu chí đánh giá.
Ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ tư vấn cho các sản phẩm mới trong năm 2023. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng Văn Ngọc Tiến Đức cho biết: “Hiệu quả của việc triển khai chương trình OCOP là đã nâng tầm giá trị của sản phẩm đặc sản địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ và đáp ứng yêu cầu ngày cao của người tiêu dùng. Đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia OCOP. Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã tăng giá trị, giúp chủ thể tăng quy mô và doanh thu”.
Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng đã thường xuyên hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các hội nghị kết nối cung – cầu nhằm giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, người dân, nhất là chủ thể sản xuất hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng, ý nghĩa và giá trị kinh tế, tích cực tham gia thực hiện chương trình OCOP. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP.
Thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách thực hiện chương trình OCOP; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về phát triển sản phẩm tại các địa phương nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất có điều kiện tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Thanh Trúc
Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn