Quảng Trị: Hình thành vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, các địa phương, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định giúp nâng cao giá trị cây hồ tiêu -Ảnh: L.A

Nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm sản xuất, kinh doanh cà phê, ngay từ năm 2019, Hợp tác xã (HTX) nông sản Khe Sanh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã liên kết với 7 tổ nhóm gồm hơn 100 hộ nông dân tại các xã Hướng Tân và Hướng Phùng để sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ.

Theo đó, ngoài việc trồng mới, HTX tập trung hướng dẫn người dân đầu tư chăm sóc, tái canh và cải tạo diện tích cà phê lâu năm. Hiện nay, HTX yêu cầu người dân khi cây đạt 95% quả chín trở lên mới được thu hái và không ngâm quả vào nước, không được trộn tạp chất thì mới được HTX thu mua.

Giám đốc HTX nông sản Khe Sanh Nguyễn Thị Hằng cho biết, việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu, vùng trồng tập trung, chuyên canh đã giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn, đảm bảo các tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.

Hiện tại, diện tích của HTX đã đạt trên 300 ha, sản lượng thu mua hơn 3.000 tấn quả tươi/năm, tương đương 500 tấn cà phê thóc/năm. Đặc biệt, các sản phẩm Khe Sanh Coffee dạng bột và Khe Sanh Coffee dạng hạt rang của HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh và đang phân phối trên khắp cả nước.

Tại huyện Vĩnh Linh, HTX sản xuất – kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh đã đầu tư máy móc phục vụ chế biến với 3 dòng sản phẩm chính là tiêu đỏ, tiêu xanh và tiêu sọ. Trong đó, sản phẩm hạt tiêu đỏ hữu cơ đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Giám đốc HTX sản xuất – kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu cho biết, để bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định trong quá trình sản xuất, HTX đã hợp tác với hơn 300 hộ gia đình với diện tích trên 120 ha, bao gồm cả tiêu kinh doanh và tiêu kiến thiết cơ bản. Sản lượng bình quân hằng năm hơn 200 tấn. Trong đó, có 26 ha đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam với sản lượng khoảng 3 tấn tiêu đỏ và trên 60 tấn tiêu đen hữu cơ. Qua đó giúp HTX chủ động trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm và bước đầu giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 115 sản phẩm OCOP; trong đó 73 sản phẩm 3 sao, 42 sản phẩm 4 sao. Nhiều sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: gạo hữu cơ, dược liệu, hồ tiêu, chuối, cà phê… Hiện có gần 4.000 ha cà phê, với giống chủ lực là Catimor, tập trung chủ yếu tại huyện Hướng Hóa.

Trong đó có gần 3.700 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng đạt trên 4.300 tấn cà phê thóc/năm. Hơn 2.170 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh và Hướng Hóa. Diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 80% diện tích gieo cấy, trong đó diện tích cánh đồng lớn trên 11.000 ha.

Dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có trên 1.000 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trên 3.000 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và đến năm 2030 sẽ có hơn 2.000 ha lúa hữu cơ, 7.000 ha lúa VietGAP (chiếm 35% sản lượng lúa toàn tỉnh)… Ngoài ra còn có hơn 1.000 ha dược liệu với các loại cây như cà gai leo, cây vằng, trạch tả, đinh lăng, nghệ, sả, ba kích…

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương, một trong những tiêu chí hàng đầu của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định.

Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương; phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học – công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.

“Việc hình thành vùng nguyên liệu sẽ hỗ trợ các chủ thể OCOP chủ động kế hoạch sản xuất và kiểm soát nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Mở ra cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn”, bà Phương nhấn mạnh.

Lê An

Báo Quảng Trị – baoquangtri.vn