Quảng Trị: Chương trình OCOP góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng bước khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sản phẩm chuối sấy dẻo đạt chứng nhận OCOP 3 sao của Công ty TNHH Green Globe – Ảnh: L.A

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, sau hơn 5 năm triển khai, đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 138 sản phẩm OCOP; trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, có 2 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá, công nhận hạng 5 sao; 95 sản phẩm 3 sao. Có 76 chủ thể OCOP, trong đó có 21 chủ thể là hợp tác xã (HTX); 9 chủ thể là tổ hợp tác; 22 chủ thể là doanh nghiệp; 24 chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh. Từ việc triển khai chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP như: sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa; các sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ; các sản phẩm nước mắm, thủy, hải sản của các vùng biển Gio Việt, Cửa Tùng, Mỹ Thủy…

Cùng với việc thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện các bài viết, xây dựng các chuyên mục phát thanh, truyền hình nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của tỉnh. Vận hành trang thông tin điện tử: ocop.quangtri.gov.vn nhằm đăng tải những thông tin về chương trình, các chủ trương chính sách của Nhà nước, các thông tin về sản phẩm, chủ thể để mọi người dân có thể dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận…

Hằng năm, phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Bưu điện tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho chủ thể OCOP. Đã phát triển được 9 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP, tập trung chủ yếu ở thành phố Đông Hà với 5 điểm, còn lại ở thị xã Quảng Trị 1 điểm và các huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông mỗi huyện 1 điểm.

Đến nay đã có trên 95% chủ thể OCOP tham gia bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như shopee, lazada… Nhiều chủ thể đạt doanh số bán hàng cao trên các sàn thương mại điện tử như Công ty Cổ phần nông sản Quảng Trị, HTX dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, Công ty TNHH cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy, Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, HTX nông sản Khe Sanh…

Kênh bán hàng thương mại điện tử đã giúp cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng Quảng Trị có cơ hội đến với tay người tiêu dùng khắp cả nước một cách nhanh hơn, góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, để phát huy tính hiệu quả chương trình OCOP gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình OCOP bằng nhiều hình thức. Phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP thông qua công tác quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng.

Tổ chức sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn thực phẩm gắn với phát triển chế biến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn và thân thiện mới môi trường. Xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền.

Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ gắn với làng nghề, du lịch nông thôn và lợi thế tiềm năng của tỉnh.

Tăng cường rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống…

Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các trang thiết bị phục vụ kết nối thị trường, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa của địa phương.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu cho sản phẩm OCOP thông qua thử nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP.

Thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP quốc gia; đẩy mạnh kết nối mạng lưới sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế.

Qua đó, tiếp tục khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh; phát triển, mở rộng thị trường để góp phần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thục Quyên

Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn