Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP từ những loại cây này.
Người dân xã Cam Chính, huyện Cam Lộ thu hoạch cây an xoa -Ảnh: T.T
Huyện Cam Lộ là địa phương có thế mạnh về trồng, chế biến cây dược liệu. Đến cuối năm 2023, toàn huyện trồng được hơn 127 ha cây dược liệu các loại, trong đó duy trì ổn định 30 ha cây chè vằng, 17,5 ha cây an xoa, 10 ha cây cà gai leo, 5 ha cây tràm năm gân, đang trồng thử nghiệm cây quế, đàn hương, đinh lăng, ba kích tím, hà thủ ô… để từng bước khẳng định giá trị và nhân rộng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh, địa phương phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh với quy mô 500 ha, trong đó tập trung phát triển một số cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao như chè vằng, an xoa, cà gai leo, tràm năm gân và một số cây khác. Nhiều sản phẩm chế biến từ cây chè vằng, tràm, cà gai leo, tinh bột nghệ… đã đạt OCOP 3 – 4 sao cấp tỉnh.
Thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường chỉ đạo các địa phương phát triển thêm sản phẩm OCOP từ cây dược liệu. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động người sản xuất rừng bảo tồn, khoanh nuôi và khai thác hợp lý các cây dược liệu dưới tán rừng để liên kết với các cơ sở, hợp tác xã chế biến gắn với đổi mới công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP huyện, tỉnh và cả nước.
Qua kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn, bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu, trong đó có 199 loài thuộc danh mục dược liệu được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 48/2018/TTBYT ngày 28/12/2018. Cây dược liệu tập trung ở 5 huyện gồm Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 ha dược liệu với khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ, trong đó kết nối với Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (VINASAMEX) trồng và tiêu thụ 114 ha cây quế; liên kết với Công ty CP Agi-Dynamics Việt Nam trồng và tiêu thụ 10 ha cây an xoa; Công ty TNHH tinh dầu Bắc Hiền Lương trồng hơn 40 ha tràm năm gân; đã chứng nhận chuyển đổi hữu cơ 2 ha cây ba kích tím…
Tỉnh xác định tập trung phát triển 14 loài dược liệu gồm chè vằng, tràm, nghệ, sả, cà gai leo, an xoa, dây thìa canh, bảy lá một hoa, đẳng sâm, sâm cau, giảo cổ lam, quế, sâm bố chính, khôi tía và một số cây dược liệu khác tạo thành sản phẩm cổ truyền của dân tộc trong tỉnh đạt tiêu chí là sản phẩm OCOP.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình sản xuất, chế biến cây dược liệu với sản lượng lên đến 8.000 tấn/năm như Công ty TNHH MTV Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy; Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Công ty Cổ phần AGRYDYNAMICS Việt Nam.
Các đơn vị khác như Công ty TNHH tinh dầu Bắc Hiền Lương, Công ty TNHH tinh dầu Huyền Thoại, Công ty TNHH Nhiên Thảo Quảng Trị, Hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn và hàng chục cơ sở, HTX chế biến các loại tinh dầu, dược phẩm góp phần tạo thu nhập cho người dân cao gấp 4 -5 lần so với các loại cây hoa màu truyền thống. Hiện có gần 60 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận.
Tháng 4/2022, Đề án khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2026, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1113/QĐ-UBND. Mục tiêu của đề án đến năm 2026 đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha.
Trong đó trồng mới ít nhất 1.000 ha, gồm 200 ha quy mô tập trung và 800 ha dưới tán rừng đối với những cây dược liệu đã khẳng định có hiệu quả, có khả năng nhân rộng, thị trường tiêu thụ ổn định. Có thêm 15 -20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Đến năm 2030 phấn đấu đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh lên trên 7.000 ha.
Trong đó trồng mới thêm ít nhất 2.500 ha, gồm trồng mới với quy mô sản xuất tập trung 1.000 ha, trồng dưới tán rừng 1.500 ha. Nâng cấp và đầu tư mở rộng ít nhất 10 cơ sở ươm cây giống dược liệu. Xây dựng, nâng cấp thêm 10 cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm có nguồn gốc từ cây dược liệu. Có thêm 30 – 35 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Giai đoạn từ năm 2022-2026, tỉnh Quảng Trị dự kiến đầu tư hơn 52 tỉ đồng để thực hiện đề án.
Để nâng cao hiệu quả triển khai đề án, các địa phương cần chú trọng phát triển cây dược liệu phù hợp với từng vùng sinh thái, trên cơ sở sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội gắn với quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trồng và tự nhiên, gắn với cơ sở chế biến và phát triển các sản phẩm OCOP.
Huy động lồng ghép các nguồn lực, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với cơ sở chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường dược liệu trong và ngoài tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
Bảo Bình
Báo Quảng Trị Online – baoquangtri.vn