Khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp sẽ giúp người dân tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giảm nghèo bền vững.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, Tổ chức Programma Uitzending Managers (PUM/Hà Lan), Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Kinh tế du lịch nông nghiệp Hướng Hóa – Quảng Trị”. Hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, tìm hướng đi để phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp tại huyện Hướng Hóa, một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Trị.
Tỉnh Quảng Trị với những điều kiện đa dạng sinh học về sản xuất nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa vùng miền đặc sắc, hệ thống di tích văn hóa, lịch sử cách mạng đồ sộ… đã tạo ra tài nguyên vô cùng phong phú cho các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, một số doanh nghiệp và hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai các mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp phục vụ khách du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương đã từng bước được khai thác, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch theo các mục tiêu khác nhau.
Tại huyện Hướng Hóa, các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp hiện đang chủ yếu khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái như thác Tà Puồng tại xã Hướng Việt, thác Chênh Vênh tại xã Hướng Phùng..; khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các trang trại cà phê hoặc khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô và cảnh quan thiên nhiên như như điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng.
Thời gian gần đây, một số mô hình du lịch cộng đồng như homestay, farmstay, bungalow, camping, clamping… cùng phát triển mạnh. Các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2023, riêng huyện Hướng Hóa đã đón trên 80 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn trên địa bàn cần phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về khai thác các dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, phát triển văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế – xã hội, văn hóa đời sống cộng đồng và sản xuất.
Tại hội thảo được tổ chức lần này, nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch nông nghiệp tại huyện Hướng Hóa đã được các chuyên gia, người làm công tác quản lý, các doanh nghiệp đưa ra thảo luận như: Vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch cộng đồng; việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái còn tự phát, chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng nhu cầu; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu sự kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch…
Hội thảo đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, các nhân đang quản lý khai thác các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn của tỉnh Quảng Trị và một số doanh nghiệp quan tâm khác những kiến thức cơ bản về tổ chức, quản lý, khai thác và vận hành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; nâng cao một số kiến thức và hiểu biết về khái niệm du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp (hoạt động, lưu trú, vận chuyển) nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách; hướng dẫn xác định các nhóm đối tượng phù hợp cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị khai thác các hoạt động du lịch, tăng thu nhập và phát triển bền vững.
Dịp này, các đại biểu cũng đã tham gia chương trình famtrip trải nghiệp các hoạt động du lịch nông nghiệp tại các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn Hướng Hóa.
Được biết, Hướng Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với khí hậu mát mẻ, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt nơi đây có rất nhiều nông trại rất thích để phát triển du lịch nông nghiệp. Việc khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế này sẽ góp phần giúp cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo bền vững. Góp phần thực hiện các nội dung trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 1-3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương, 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch;
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch, 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ, mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 nhân viên thành thạo ngoại ngữ; Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn tỉnh…/.
Lê Chung
Báo Tổ Quốc điện tử – toquoc.vn