Rừng trâm Minh Châu là biểu tượng, sinh cảnh đặc biệt gắn với sự phát triển của xã đảo Minh Châu.
Tới Minh Châu, nhiều du khách không thể bỏ qua khám phá khu rừng trâm xanh mát, rợp bóng kề ngay bãi biển Minh Châu cát mịn, sóng nhẹ, nước trong. Đây là một trong những bãi tắm thoải, an toàn và được coi là đẹp nhất miền Bắc. Rừng trâm tự nhiên nguyên sinh nơi đây có diện tích khoảng vài ha, chạy dài theo hình vòng cung, ôm sát bãi cát vàng. Giữa cái nắng hè oi ả, dưới tán trâm già, ngồi ngả lưng giữa rừng hoặc tản bộ ngắm nhìn và thưởng thức khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh… cũng là một điều thú vị.
Không chỉ vậy, rừng trâm còn là sinh cảnh đặc biệt, là biểu tượng linh thiêng gắn bó với sự phát triển của xã đảo này. Tương truyền, rừng trâm có từ 200-300 năm trước, là lá chắn vững chắc bảo vệ làng chài khỏi cát, bão gió. Theo những lão ngư thì năm 1945, rừng trâm đã bảo vệ làng khỏi cơn bão biển lớn. Dù bị sóng, gió đánh xơ xác nhưng cây trâm vẫn kịp ra vụ quả cuối năm, trở thành lương thực cứu đói cho dân làng qua nạn đói năm 1945. Rừng trâm trở thành thần Mộc, biểu tượng linh thiêng, được người dân xã đảo tôn thờ và bảo vệ.
“Rừng trâm còn có tiềm năng du lịch sinh thái vô cùng lớn. Hàng năm, nơi đây đón khoảng 100.000 lượt khách tham quan. Đây cũng là điểm đến, điểm kết nối tour, tuyến nổi bật trên đảo cũng như hướng phát triển, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với tán rừng trong tương lai” – ông Nguyễn Thành Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, chia sẻ.
Hiện nay, xã đảo Minh Châu đã sớm kết nối các điểm du lịch nổi bật nhất của xã như: Bãi tắm, phố đi bộ với rừng trâm… Trước đó, những con đường mòn giữa rừng cũng đã được lát gạch tạo thuận lợi cho du khách đi lại, tham quan, hóng mát. Năm 2021, rừng trâm Minh Châu cũng trở thành điểm đến trên hành trình của các tour du lịch: Hành trình khám phá lịch sử văn hóa đảo Quan Lạn và trải nghiệm đời sống người dân đảo do Cơ quan hợp tác Nhật Bản JICA tài trợ.
Mới đây, Quần thể rừng trâm Minh Châu có 150 cây cổ thụ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây là cơ hội để các công ty lữ hành có thể xây dựng, giới thiệu các tour xuyên rừng, thu hút phân khúc khách quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường và lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Không chỉ là xu hướng được quan tâm, việc phát triển du lịch nơi đây cũng phù hợp với Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, trong đó khu vực Minh Châu – Quan Lạn được định hướng phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch biển kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị rừng trâm Minh Châu.
Đồng thời, sản phẩm tham quan hệ sinh thái rừng là một trong 6 sản phẩm du lịch sinh thái được phép triển khai tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Điều cần làm là các cơ quan chức năng và địa phương cần quan tâm nghiên cứu, vận dụng, tháo gỡ những vướng mắc về chính sách liên quan đến việc hình thành và phát triển du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia cũng như đưa ra các sản phẩm tour tuyến hấp dẫn, phù hợp với thực tế.
Hà Phong
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn