Quảng Ninh: Phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch

Với lợi thế sẵn có, thời gian qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển các sản phẩm nông nghiệp địa phương gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp của mỗi địa phương, thu hút khách du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Các đội tham gia thi hái cam tại Lễ hội cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn), tổ chức đầu tháng 12/2024

Nắm bắt lợi thế từng vùng, miền, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đặc biệt, Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều mô hình, dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại huyện Bình Liêu, như: Trồng giống nho mới (nho Mẫu Đơn) diện tích 0,1ha với 1 hộ triển khai tại xã Lục Hồn; trồng mận tam hoa gắn với định hướng phát triển du lịch nông nghiệp tại xã Đồng Văn, quy mô 1,2ha với 5 hộ thực hiện; triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trồng Hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu” tại xã Đồng Văn với quy mô 5ha, 5 hộ tham gia.

Hiện tỉnh tập trung xây dựng, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, trong đó quan tâm các vùng vệ tinh quanh khu vực mô hình làng văn hóa dân tộc thiểu số, như: Vùng trồng cam huyện Vân Đồn (mô hình du lịch trải nghiệm vườn cam Vạn Yên); Vùng trồng chè huyện Hải Hà (mô hình trải nghiệm đồi chè xã Quảng Long); Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu)… Hằng năm, các mô hình thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham quan trải nghiệm; trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu quy trình sản xuất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Anh Hoàng Đức Hiếu (du khách TP Hà Nội) cho biết: “Đến Bình Liêu, tôi đã có những cảm nhận rất đặc biệt. Địa phương có cảnh sắc hữu tình cùng nhiều nét văn hóa đặc trưng; có những món ăn đặc trưng vùng dân tộc. Chúng tôi còn được trải nghiệm vườn hoa Cao Sơn giữa đại ngàn… Những nét riêng có ấy đã mang đến trải nghiệm thú vị cho đoàn chúng tôi”.

Để khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có về cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu, thời gian qua, các hợp tác xã (HTX), chủ trang trại trong tỉnh đã có ý tưởng kết hợp phát triển trang trại gắn với phát triển du lịch với nhiều mô hình hấp dẫn, như: Du lịch trang trại đồng quê, trải nghiệm làm nông dân, trải nghiệm những sinh hoạt, lao động, ẩm thực thường ngày của người dân bản địa. Các mô hình này đã dần tạo sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp đã ra đời và trở thành những thương hiệu thu hút du khách bốn phương. Chị Tô Thị Dung (TP Hạ Long), cho biết: “Đầu tháng 12/2024, tôi cho các con tham dự Lễ hội Cam Vân Đồn, tổ chức tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn. Chúng tôi vô cùng thích thú, nhất là các em bé được trải nghiệm các hoạt động tham quan, trưng bày làng nghề, giỏ đan lát; được xem các đội thi hái cam tại vườn trong thôn với không khí rất hào hứng, sôi nổi. Đây thực sự là trải nghiệm thú vị, giúp các con được hòa mình và gần gũi hơn với thiên nhiên. Tôi được biết, hoạt động này cũng nhằm bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế của xã Vạn Yên trong việc gìn giữ, phát triển cây cam gắn với thúc đẩy du lịch cộng đồng”.

Vườn hoa Cao Sơn (huyện Bình Liêu) cung cấp nhiều dịch vụ du lịch cho du khách. Ảnh: Việt Hoa

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 HTX có hoạt động sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch nông thôn, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế HTX có hiệu quả, như: HTX Nông dược xanh tinh hoa, HTX hoa Bình Liêu (huyện Bình Liêu); HTX Cam mùng 10/10, HTX Nông trang cam Vạn Yên (huyện Vân Đồn); HTX Yên Tử (TP Uông Bí); HTX Nông nghiệp Hoa Sen (TX Quảng Yên)….

Cùng với đó, nhiều sản phẩm OCOP còn trở thành các điểm du lịch nông thôn, thu hút đông du khách, nhất là khách quốc tế trải nghiệm, như: Du lịch Làng quê Yên Đức và du lịch trải nghiệm gốm sứ (TP Đông Triều); khu nuôi cấy ngọc trai (TP Hạ Long)…

Các địa phương chú trọng rà soát các sản phẩm để phát triển bản sắc văn hóa, phong tục tập quán địa phương để tạo nét riêng, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Điển hình: TP Móng Cái đã khảo sát, nghiên cứu, tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong thôn Pò Hèn và khu vực phụ cận khôi phục một số nghề truyền thống của người Dao đã dần bị mai một, như: Đan nia, thúng, nón lá, mây tre đan… Đồng thời, quan tâm công tác bảo tồn văn hóa ẩm thực và phát huy, phát triển các món ăn truyền thống của người Dao, giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong bữa ăn của gia đình người Dao, như: Khau nhục, thịt gà, vịt, ngan, dưa chua úp thảm, trám muối giềng, tàu xì, củ cải mặn…; các món bánh truyền thống như bánh chưng lưng gù, bánh chưng dài, bánh tro, cơm ba màu…

Người dân mua sắm tại Hội chợ OCOP Xuân 2025

Ngoài ra, địa phương còn vận động các hộ gia đình người Dao quan tâm bảo tồn, phát huy một số bài thuốc cổ truyền trong chữa bệnh hiệu quả từ các cây thuốc đông y đã được công nhận, như: Thuốc chữa bệnh xương khớp và dạ dày; lá thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh; thuốc chữa liền xương; thuốc chữa các bệnh thông thường như nhức đầu, sổ mũi, kiết lỵ, cam sài…

Còn đối với huyện Bình Liêu, cũng lựa chọn được địa điểm để quy hoạch nghề trồng dâu nuôi tằm, nhuộm chàm của đồng bào dân tộc Tày tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn. Từ đó, đăng ký danh sách các hộ trồng dâu nuôi tằm; tiếp tục duy trì, phát triển làng nghề trồng và chế biến dong riềng để xây dựng chương trình tham quan và tìm hiểu quy trình trồng dong riềng và chế biến dong riềng tại thôn Lục Ngù; vận động nhân dân 2 thôn, bản duy trì nghề thủ công đan lát các đồ dụng thiết yếu, đan nón, mũ người Tày; túi lưới, kèn lá của người Sán Chỉ; khuyến khích người Tày duy trì, phát triển nghề làm đàn tính. Đồng thời, vận động nhân dân bảo tồn, trồng và chăm sóc các loại cây dược liệu quý của người Sán Chỉ…

Thông qua các mô hình đã góp phần dần thay đổi nhận thức của người sản xuất trồng trọt trong công tác sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, hình thành những vùng miền, sản phẩm nông nghiệp đặc sắc ở mỗi địa phương, tạo sức hút cho du lịch Quảng Ninh.

Nguyễn Huế
Báo Quảng Ninh Điện tử – baoquangninh.vn