Nối đời gắn bó với cây chè
Cây chè được trồng thử nghiệm ở vùng đất Hải Hà từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu trồng đại trà là ở thôn 8 xã Quảng Long rồi mở rộng ra toàn xã và các xã lân cận. Hơn 60 năm qua, cây chè đã cùng người dân nơi đây trải qua biết bao thăng trầm để đến hôm nay, diện tích trồng chè của Hải Hà đã lên tới hơn 800ha, trở thành địa phương trồng cây chè tập trung lớn nhất của Quảng Ninh.
Sự gắn bó của cây chè với đời sống bà con xã Quảng Long vô cùng thiết thân. Bà Nguyễn Thị Thử, thôn 7, xã Quảng Long, chia sẻ: Chè gắn bó với chúng tôi từ những năm 90, cây chè giúp cho gia đình chúng tôi có điều kiện lo cho con cái học hành, đảm bảo kinh tế gia đình ổn định. Dù nghề trồng chè có lúc thăng lúc trầm nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới việc bỏ cây chè, vì bố mẹ tôi ra đây từ năm 1961 làm chè, giờ những vườn chè này lại giao cho con cái là chúng tôi. Lúc khó khăn mà bỏ cây chè thì khi thời giá lên cao, có muốn vực lại cũng không được nữa nên mình lúc nào cũng phải chăm cho cây chè, vẫn phải gắn bó với cây chè…
Kể về việc trồng chè, bà Thử bảo, trồng chè mà so với công việc làm nông khác thì cây chè vẫn hơn. Bà phân tích: Chè thu hái xong bán nguyên liệu tươi cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua để chế biến chè trên địa bàn, hái tới đâu sẽ thu mua hết tới đó, không bị ế đọng. 1 tấn chè tươi, doanh nghiệp thu mua với giá 8.000 đồng/cân là được 8 triệu đồng, trừ chi phí đi chúng tôi còn lãi 6 triệu đồng/tấn chè, vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thêm nữa, trồng chè cứ đến lứa thì hái rồi chăm bón chờ lứa sau, một lứa chè khoảng 40 ngày, cần khoảng 12-14 ngày/tháng chăm cây, thu hoạch chè, thời gian còn lại chúng tôi có thể làm những việc khác, như cấy lúa, đi chợ… cho thu nhập thêm chứ không phải lúc nào cũng phải ở bên cây chè.
Về với xã Quảng Long hỏi chuyện về cây chè, ai cũng phấn khởi. Qua tìm hiểu được biết, trong Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định cây chè là cây chủ lực của xã. Vì vậy, địa phương đã có những giải pháp để gia tăng diện tích, hướng tới sản xuất các loại chè chất lượng cao, gia tăng giá trị sản xuất. Xã đã vận động nhân dân chuyển đổi các giống chè từ cây chè trung du lá nhỏ, chất lượng thấp sang các giống chè chất lượng cao như Ngọc Thuý, Hương Bắc Sơn, tăng sản lượng, chất lượng cây chè bằng nhiều giải pháp khác nhau, từ chăm sóc bằng các giải pháp thông thường chuyển sang chăm sóc chè hữu cơ, thành lập các tổ HTX phát triển cây chè.
Anh Nguyễn Thế Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Long, cho hay, từ nhiều giải pháp đồng bộ như vậy, giai đoạn vừa qua, xã đã chuyển đổi được trên 40ha chè chất lượng cao, hình thành được các tổ HTX trồng chè theo hướng hữu cơ. Chất lượng, năng suất đã thay đổi rõ rệt, nếu như trước đây 1ha chỉ cho thu nhập 50-70 triệu đồng/năm thì nay phải nâng lên gấp 2, gấp 3 lần.
Giai đoạn tới, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển cây chè, đưa các loại máy móc công nghệ cao vào để sản xuất, chế biến, làm sao tạo ra sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường: Chăm bón sử dụng phân hữu cơ, phun thuốc theo hướng dẫn chỉ định, liều lượng, thu hái định kỳ, đảm bảo đúng theo quy trình VietGAP. Dần dần sẽ thay thế hết giống chè trung du lá nhỏ sang chè Ngọc Thuý… cho năng suất, chất lượng cao hơn. Xã hiện có trên 350 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Cây chè cho người dân nguồn thu nhập ổn định, bình quân 1ha cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm.
Nông sản chủ lực của địa phương
Qua thời gian, người vùng chè Hải Hà đã tìm ra hướng đi đúng để nâng cao giá trị cây chè. Mặc dù so với nhiều vùng chè lớn trong cả nước, chè Hải Hà chưa thể nằm trong top nhưng đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc, hứa hẹn sự khởi sắc trong thời gian tới. Với định hướng đi lên từ cây chè, Hải Hà xác định vùng trồng chè là vùng sản xuất chủ lực của ngành nông – lâm nghiệp địa phương.
Ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hải Hà đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành chè. Trong đó, huyện đã tập trung cho việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Hiện nay, địa phương duy trì hơn 800ha trồng chè, trong đó chè hữu cơ đạt hơn 100ha, chủ yếu sản xuất theo hướng VietGAP và theo đúng quy trình hướng dẫn của Viện KHKT Nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc.
Ông phân tích: Búp chè hữu cơ rất dày, sản lượng chè đem lại rất cao, trước chỉ đạt tầm 100.000 đồng/kg thành phẩm nhưng đến thời điểm này, khi triển khai theo hướng hữu cơ thì giá trị chè tăng mạnh, có loại đã lên tới 1,2 triệu đồng/kg. Một số giống chè sản xuất chè Ô Long có giá trị rất cao, như trà của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Tú đã đưa ra thị trường nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, chuẩn bị giới thiệu sang Nhật Bản. Toàn bộ diện tích chè của Việt Tú trồng theo hướng hữu cơ nên chất lượng chè rất tốt. Sản xuất được trà Ô Long đóng góp cho ngành nông nghiệp của huyện rất lớn.
Ngoài ra, huyện còn thí điểm mô hình trồng chè Hương Bắc Sơn với khoảng 35ha do Nông trường chè Phú Thọ hỗ trợ giống, hiện đang sinh trưởng tốt. Giai đoạn tới, huyện tiếp tục theo chỉ đạo của tỉnh mở rộng duy trì từ 850ha, đẩy mạnh vùng trồng chè hữu cơ lên khoảng 300ha. Sản xuất theo hướng hữu cơ sẽ đưa được sản phẩm chè của Hải Hà ra thị trường quốc tế.
Định hướng du lịch đồi chè
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, Hải Hà đã và đang xác định mở rộng phát triển du lịch sinh thái vùng chè. Việc quảng bá mô hình du lịch đồi chè được địa phương thực hiện trước hết là thông qua tổ chức lễ hội trà. Từ năm 2018 đến năm 2023, xã Quảng Long là vùng trồng chè lớn của huyện, thường niên tổ chức Ngày hội Văn hóa – Du lịch Trà Đường Hoa. Năm nay, vào cuối tháng 10 vừa qua, Hải Hà đã nâng cấp lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa ở quy mô cấp huyện với nhiều nội dung đặc sắc, vừa tôn vinh cây chè Đường Hoa, quảng bá thương hiệu trà OCOP chủ lực của huyện, vừa tạo cơ hội để du khách gần xa khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất Hải Hà.
Với riêng cây chè và sản phẩm trà Đường Hoa, cùng với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, lễ hội còn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách: Khám phá vẻ đẹp của đồi chè khi tham gia giải đua xe đạp, chạy bộ quanh đồi chè; trải nghiệm văn hóa chè khi tham gia các hoạt động trình diễn nghệ thuật pha trà, thi hái chè, sao chè thủ công truyền thống; thưởng thức hương vị trà Đường Hoa qua những chén trà, ẩm thực trà mang hương vị đặc trưng của vùng đất Hải Hà…
Anh Bùi Thanh Tuấn, Trưởng Phòng VH-TT huyện, bày tỏ: Chúng tôi kỳ vọng là qua lễ hội sẽ lan toả được hình ảnh của vùng chè rộng lớn hơn 800ha của tỉnh với truyền thống lịch sử hơn 60 năm cũng như quảng bá thương hiệu trà Đường Hoa tới đông đảo nhân dân và du khách. Qua đó, cũng góp phần động viên, khích lệ người dân có đóng góp phát triển vùng chè. Cuối cùng là muốn phát triển một điểm du lịch mới trải nghiệm khám phá du lịch nông nghiệp, du lịch đồi chè trên địa bàn huyện. Chúng tôi sẽ đề xuất lãnh đạo huyện duy trì lễ hội trà thành lễ hội thường niên của Hải Hà…
Qua tìm hiểu được biết, huyện đang triển khai Đề án “Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, xác định phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh và bản sắc văn hóa, giá trị tự nhiên của địa phương. Theo đó, địa phương xác định xây dựng sản phẩm du lịch khám phá đồi chè kết nối với du lịch đảo Cái Chiên được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh và du lịch trải nghiệm văn hoá của đồng bào vùng cao các xã Quảng Sơn, Quảng Đức và trải nghiệm vùng biên giới trên địa bàn huyện.
Trao đổi về hướng phát triển du lịch đồi chè của Hải Hà, ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết thêm: Địa phương xác định 3 vùng sẽ phát triển du lịch sinh thái gắn với đồi chè. Trong đó, riêng đồi chè của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Tú sẽ giao cho doanh nghiệp triển khai theo đúng mô hình doanh nghiệp – nhà nông để phát triển du lịch. Còn lại là cánh đồng chè thôn 8, 9 xã Quảng Long và xã Quảng Sơn, huyện sẽ đầu tư các tuyến giao thông, một số vị trí sẽ làm một số chòi canh hoặc các xưởng sơ chế phục vụ khách du lịch tới trải nghiệm hái chè, sao chè và chế biến chè…
Phan Hằng
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn