Quảng Ngãi: Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng, lợi thế vùng miền

Có nhiều nét đặc trưng về địa hình, khí hậu nên Quảng Ngãi có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Qua đó, đã tạo cơ hội để du khách tìm đến trải nghiệm các sản phẩm mang thương hiệu địa phương đặc sắc.

 

Vùng đồng bào miền núi tỉnh Quảng Ngãi được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đánh giá là nơi có nguồn tài nguyên cây dược liệu phong phú, đa dạng, thu hút nhiều doanh nghiệp tìm hiểu, liên kết với người dân địa phương trong trồng trọt, chế biến, phát triển sản phẩm từ cây dược liệu. Nổi bật là quế Trà Bồng, mỗi năm người dân thu hoạch từ 1.600 – 2.000 tấn vỏ quế. Trà Bồng là 1 trong 4 vùng trồng quế của cả nước. Quế ở đây có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Giám đốc Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng Nguyễn Đức Lương cho biết, đứng trước nhu cầu nâng cao kinh tế trong việc tiêu thụ vỏ quế của địa phương, cũng như để giúp cho người đồng bào có thu nhập từ cây quế đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm từ cây quế, có chất lượng, mẫu mã đẹp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại đẫ sản xuất ra các dòng sản phẩm như: bột quế Trà Bồng, tinh dầu quế Trà Bồng, nhang quế Trà Bồng, nến thơm quế Trà Bồng, nước lau sàn quế Trà Bồng, nước rửa chén quế Trà Bồng, đồ mỹ nghệ từ cây Quế Trà Bồng…

“Được chứng nhận OCOP, nhiều sản phẩm của công ty gặp thuận lợi trong việc tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, cũng như hệ thống siêu thị có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, giá trị của cây quế và các sản phẩm từ quê được nâng cao. Giá của sản phẩm sau khi được bảo hộ tăng lên, đời sống người dân ở vùng trồng quế ngày càng được cải thiện”, ông Lương cho biết.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, những năm qua, huyện Lý Sơn đã ưu tiên triển khai các ý tưởng phát triển sản phẩm từ tỏi Lý Sơn. Đến nay, huyện đã có các sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao như tỏi đen, rượu tỏi đen, tỏi ngâm mật ong, giấm tỏi mật ong, chả cá và hành phi…

Hiện Lý Sơn có trên 300ha đất trồng tỏi, cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn tỏi mỗi năm. Công ty Phú Sinh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn để tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Phú Sinh là doanh nghiệp đi đầu trong việc trồng tỏi ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch không hóa chất ở đảo Lý Sơn và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn vươn xa.

Huyện Lý Sơn đã khuyến khích và hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, mở các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP đến với khách du lịch tại địa phương. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, các chủ thể đã đưa sản phẩm OCOP đến với các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và đang hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và trong các chuỗi siêu thị lớn.

Thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm đạt OCOP (17 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao) của 69 chủ thể, gồm: 13 doanh nghiệp, 12 HTX và 44 cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được đẩy mạnh, cụ thể: Hơn 225 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; 130 sản phẩm OCOP của tỉnh lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tại địa chỉ www.quangngaitrade.gov.vn; xây dựng 13 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có 7 điểm xã hội hóa.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP từ 3 – 5 sao, trong đó có từ 4 – 6 sản phẩm đạt 4 sao, 1 – 2 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao cấp trung ương. Kinh phí thực hiện trên 5,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1,4 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền yêu cầu, các sở, ngành, địa phương rà soát và đánh giá tiềm năng, giá trị, sức tiêu thụ của các sản phẩm OCOP hiện có. Qua đó, tập trung hỗ trợ những chủ thể đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất, xây dựng và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc; nhất là các sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt 4 sao cấp tỉnh và 5 sao cấp Trung ương, sản phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm OCOP trên những nền tảng xã hội, gắn với hình thành các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP. Công tác hỗ trợ chủ thể phải đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, có sự thống nhất trong quản lý nhà nước cũng như kinh phí thực hiện, nhằm phát huy sức mạnh và nâng cao hiệu quả, giá trị của sản phẩm OCOP.

Phát triển sản phẩm OCOP được gắn liền với việc xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng là hướng đi đang được khuyến khích nhằm tạo ra không gian phát triển cho khu vực kinh tế nông thôn, để thu nhập của người dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ. Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cũng bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Như Đồng

Báo Văn hóa Điện tử – baovanhoa.vn