Quảng Nam: Phát triển sản phẩm OCOP từ sản phẩm làng nghề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, chuyển đổi từ sản phẩm thủ công truyền thống sang sản phẩm OCOP được nhìn nhận là hướng đi mới, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững và vươn ra thị trường lớn hơn.
Lụa Mã Châu đạt sản phẩm OCOP 4 sao.

Ở Quảng Nam, đã có những sản phẩm OCOP phát triển từ sản phẩm thủ công, từ làng nghề như Lụa Mã Châu, gốm Thanh Hà, nước mắm Tam Thanh, Cửa Khe…

Sản phẩm làng nghề – còn nhiều việc phải làm

Tính đến nay Quảng Nam có 24 sản phẩm OCOP hạng 3 sao được phát triển từ các sản phẩm nghề thủ công, làng nghề. Với 400 sản phẩm OCOP, 40 nghề, làng nghề (không kể các làng nghề chưa được công nhận), có nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo (như mộc mỹ nghệ, gốm nghệ thuật…) thì số lượng kể trên là không nhiều và cũng chưa có sản phẩm nào được xếp hạng cao.

Bên cạnh nguyên nhân nhiều chủ thể sản xuất ở các làng nghề không tham gia chương trình OCOP, còn có nguyên nhân khác là nếu thực hiện đúng chu trình và chấm chọn nghiêm túc theo đúng các tiêu chí thì sản phẩm OCOP thực sự đạt nhiều yêu cầu cao, không dễ để có sản phẩm hạng 4 sao, 5 sao. Điều này cũng gián tiếp nói lên rằng, còn rất nhiều việc phải làm để các sản phẩm nghề và làng nghề của tỉnh tồn tại, cạnh tranh và phát triển.

Bước đầu các sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm phát triển từ nghề, làng nghề đã tạo được niềm tin, thu hút được người tiêu dùng; nhất là sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được tin tưởng về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại không phải là sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm như hương quế, hương trầm (Hà Lam), phở sắn (Quế Sơn), khăn lụa Mã Châu, nước mắm Cửa Khe… đã được nhiều nơi biết đến.

Tuy nhiên, để được bản sắc như khi nói mỳ Quảng ai cũng biết đó là đặc sản của Quảng Nam (mà không phải Quảng Ngãi, Quảng Bình…), bê thui sẽ nhắc nhớ đến Cầu Mống, là không hề dễ dàng; ngoài là món ngon riêng có, còn đòi hỏi thời gian dài xây dựng thương hiệu.

Mặt khác, các sản phẩm OCOP giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh trong vùng bị trùng lắp nhiều và đặc trưng vùng miền chưa thực sự rõ nét, cũng là một hạn chế để mở rộng thị trường và tạo dấu ấn vùng miền trên thương trường.

Phát triển sản phẩm – trọng tâm phát triển làng nghề

Mỗi làng nghề ít nhiều đều được người tiêu dùng biết tiếng. Và nếu cùng một sản phẩm được bán ở nhiều nơi, người mua sẽ ưu tiên chọn mua nó ở làng nghề. Tương tự, sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng hơn sản phẩm cùng loại không phải là sản phẩm OCOP.

Một điểm yếu là bản thân làng nghề không phải là chủ thể để có thể tổ chức sản xuất kinh doanh mà có nhiều chủ thể, và các sản phẩm của làng nghề không đồng nhất để đáp ứng một đơn hàng. Do vậy, hoàn chỉnh, nâng cấp, phát triển các sản phẩm của làng nghề thành sản phẩm OCOP, lợi thế mỗi bên như vừa nêu sẽ tác động tương hỗ, tạo lợi ích kép giúp nâng cao hơn uy tín làng nghề, sản phẩm.

Có thể nói, trong tình trạng duy trì hết sức khó khăn, nhiều làng nghề thực chất đã không còn hoạt động sản xuất sản phẩm mà phải mua sản phẩm cùng loại của nơi khác về để bán. Nếu có được những chủ thể là các hợp tác xã, doanh nghiệp (có chủ cơ sở nghề tham gia cổ phần) phát triển các sản phẩm của làng nghề thành sản phẩm OCOP chính là một giải pháp hiệu quả để vực dậy và phát triển làng nghề.

Cần cơ chế chính sách hỗ trợ chủ thể xúc tiến thị trường
Ông Lê Muộn, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, không phải tất cả sản phẩm từ những làng nghề đều cần/nên trở thành sản phẩm OCOP.
Việc lựa chọn sản phẩm/làng nghề nào là do chủ thể sản phẩm tự quyết định và thực hiện đúng chu trình OCOP là nguyên tắc cần luôn tuân thủ. Nhà nước nên tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Trong đó, giúp chủ thể OCOP đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kể cả ra thị trường nước ngoài.
Kết nối cung – cầu thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế cũng như hỗ trợ phát triển mạnh thương mại điện tử…
Chính quyền cũng cần tăng cường quản lý, giám sát nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đúng với các tiêu chí của từng hạng sao cũng như kịp thời phát hiện, thu hồi công nhận với sản phẩm không đạt hạng sao đã cấp.
Thúc đẩy, khuyến khích chủ thể là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ liên kết, hợp tác hình thành các tổ hợp tác/hợp tác xã, góp vốn lập công tuy cổ phần để nâng cao năng lực quản trị sản xuất kinh doanh, đủ khả năng cạnh tranh thị trường.
Mỹ Linh (ghi)

Lê Muộn
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn