Từ khi đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) được công nhận là “Di sản văn hóa thế giới” đã góp phần khiến cho gốm sứ Thanh Hà không ngừng chuyển mình mạnh mẽ. Hiện làng nghề đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, làng nghề đang dịch chuyển theo hướng đi mới đó là kết hợp nét hiện đại nhưng vẫn giữ được nét riêng mang đặc trưng nghề gốm cổ truyền của Hội An.
Một trong những làng nghề tại Việt Nam được nhắc đến nhiều là làng gốm Thanh Hà được hình thành từ thế kỷ XVI, là một trong những làng gốm cổ nhất Việt Nam.
Sản phẩm gốm Thanh Hà nổi tiếng khắp miền Trung, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách thành phố Hội An 3 km, với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, đồ gốm Thanh Hà trở thành sản vật của địa phương, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Làng gốm Thanh Hà, Hội An
Trải qua bao thăng trầm, có thời kỳ nghề gốm rơi vào khó khăn và gần như bị quên lãng, nhưng với cái tâm và lòng yêu nghề của một số nghệ nhân gắn bó cả cuộc đời với đất và lửa, gốm Thanh Hà dần được phục hồi, làng gốm được sống lại với nét đẹp cũng như cái hồn cốt của một làng nghề truyền thống.
Tạo nên nét độc đáo trong các sản phẩm gốm của làng nghề này chính là dù trải qua nhiều thời kỳ, làng gốm Thanh Hà vẫn lưu giữ được quy trình làm gốm truyền thống, tạo hình gốm thủ công bằng tay và chân không dùng khuôn.
Những nghệ nhân gốm Thanh Hà là người thổi hồn vào đất, các nghệ nhân nổi tiếng với sự tỉ mỉ, mang đến các sản phẩm thể hiện nét văn hóa dân tộc Việt Nam. Một trong những nghề truyền thống có lịch sử lâu đời đối với cả vùng Quảng Nam, làng gốm Thanh Hà được xem như một bảo tàng sống trưng bày các sản phẩm gốm độc đáo, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Ngày nay, cùng với sự kết hợp từ những kỹ thuật mới trong chế tác đồ gốm để bắt nhịp xu thế thời đại, đến với làng gốm Thanh Hà, du khách sẽ có cơ hội tuyệt vời để chứng kiến quá trình tạo ra những sản phẩm gốm sứ đẹp mắt từ những nghệ nhân tài hoa.
Một số sản phẩm tại làng gốm Thanh Hà ở Hội An, tỉnh Quảng Nam
Gốm Thanh Hà được sản xuất khoảng 400.000 sản phẩm mỗi năm. Qua đôi bàn tay khéo léo nhào nặn của nghệ nhân trên chiếc bàn xoay đến khi ra sản phẩm, tất cả quá trình sản xuất sản phẩm đều đòi hỏi sự tỷ mỉ, kỳ công từ nguyên liệu đất được lấy từ sông Thu Bồn, với quá trình tạo hình, phơi nắng và đưa vào lò nung. Các nghệ nhân nơi đây đã đưa ra một số dòng gốm mỹ nghệ cao cấp được áp dụng kỹ thuật rót (đúc khuôn), kỹ thuật tạo hoa văn với tính nghệ thuật cao… đáp ứng thiết kế, mẫu mã yêu cầu của khách hàng.
Người làm gốm Thanh Hà đã học theo nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau, học được thêm những kỹ thuật mới, sản xuất sản phẩm theo các xu hướng mới nhưng giá trị truyền thống vẫn luôn chảy trong huyết mạch mỗi người dân làng nghề. Thay đổi là để cho phù hợp, nhưng vẫn giữ được nét riêng mang đặc trưng của làng gốm Thanh Hà, tạo hướng đi mới cho làng nghề.
Là sản phẩm khai thác giá trị kinh tế cao, gốm sứ Thanh Hà cũng góp phần là sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Nam, không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống bền vững mà còn giúp phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, việc phát triển du lịch gắn kết với mô hình làng nghề truyền thống Quảng Nam là rất cần thiết, trong đó đối với nghề gốm sứ truyền thống Thanh Hà thì chất lượng sản phẩm cũng là một trong những yếu tố quyết định trong việc thu hút khách du lịch đến với làng nghề.
Du lịch làng nghề đang là một xu hướng phát triển và làng nghề gốm sứ Thanh Hà là một địa điểm hấp dẫn du khách. Đây là hướng đi tất yếu được tỉnh quan tâm khai thác để phát triển làng nghề truyền thống trở thành một điểm đến du lịch.
Để có mối gắn kết đa dạng của các hình thức du lịch thì gắn kết du lịch làng nghề truyền thống với các hoạt động du lịch khác cũng là điều cần thiết, đơn cử như việc đến với làng gốm Thanh Hà, khách tham quan còn có thể tận tay làm ra những sản phẩm gốm với các sáng tạo riêng.
Trong năm 2022, số khách du lịch đến với làng gốm Thanh Hà đạt 132 nghìn người, trong đó chiếm hơn 80% là khách quốc tế. Việc khai thác giá trị văn hóa làng nghề truyền thống trở thành mô hình du lịch làng nghề hiệu quả nhất ở Hội An cũng như Quảng Nam hiện nay. Trong thời gian tới, làng gốm Thanh Hà sẽ chú trọng áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã nhằm hướng tới xuất khẩu ra thị trường các nước Tây Âu, Đông Âu, Đông Nam Á… để nghề gốm sứ Thanh Hà ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa.
Chính Tâm
Trang TTĐT Thương mại biên giới, miền núi, hải đảo – sanphamvungmien.vn