Quảng Nam định hướng phát triển du lịch nông thôn theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững

(TITC) – Theo kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tỉnh định hướng phát triển du lịch nông thôn theo hướng xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Đây là kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả, các mục tiêu nhiệm vụ tại Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời khai thác, làm nổi bật những đặc trưng riêng có về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong định hướng phát triển du lịch Quảng Nam và cả nước.

 

Quảng Nam xác định đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn Quảng Nam, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới bền vững. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại Quảng Nam để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu chung của kế hoạch này là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững. Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Quảng Nam đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.

Về chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, xây dựng 02 – 03 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Doanh nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên giao tiếp tốt với khách du lịch nước ngoài. Xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật vào bản đồ số tỉnh Quảng Nam.

 

Để triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch đã đặt ra 07 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, gồm: (1) Xây dựng và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. (2) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. (3) Đầu tư, phát triển điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. (4) Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. (5) Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn. (6) Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn. (7) Tăng cường liên kết hợp tác về phát triển du lịch nông thôn.

Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch này; phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hằng năm và đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, hướng dẫn, hỗ trợ và tổ chức thực hiện Kế hoạch theo nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn… Đồng thời phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; tham dự đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Trung tâm Thông tin du lịch