Một hội thảo đầu tiên về du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng được Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình tổ chức ngày 06/7/2024, trong khuôn khổ Tuần Du lịch Quẩng Bình năm 2024, mở ra nhiều hoạch định phát triển mới.
Hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh được kỳ vọng sẽ mở ra một hướng đi vừa “Phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình” vừa đẩy mạnh giao thương các sản phẩm nông nghiệp trên toàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển mạnh với nhiều loại hình sản xuất hàng hoá OCOP, các loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, cùng sống và khám phá văn hóa đời sống của người dân bản địa, tham quan làng nghề truyền thống, cùng sản xuất và làm dịch vụ… Đến nay toàn tỉnh có hơn 40 khu, điểm và sản phẩm du lịch với khu vực nông thôn và miền núi, mang lại nhiều trải nghiệm mới lạ cho du khách, mang lại thu nhập cho người dân.
Trưng bày hàng hoá OCOP của các địa phương ở Quảng Bình
Cũng theo ông Quý, từ những cái đã có đến sự phát triển theo định hướng và lớn mạnh, bền vững thì còn nhiều việc phải làm. “Qua hội thảo lần này kỳ vọng có thêm hướng đi, giải pháp đúng cho sự phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình. Từ đó tránh được sự manh mún và tự phát như kiểu nhà nhà, người người đã từng đua nhau làm homestay ở khu vực thị trấn Phong Nha”, ông Quý nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều tham luận đã đưa ra các hướng phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, đồng thời muốn phát triển bền vững thì tỉnh cũng phải có chính sách hỗ trợ du lịch nông thôn phù hợp. Một số đại biểu cũng nêu kinh nghiệm phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước như Quảng Nam, Lâm Đồng, Lào Cai, Hà Giang…
Làng du lịch Tân Hóa, Quảng Bình
Ông Đoàn Ngọc Lâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định là du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng làm nên sự phát triển mạnh và bền vững, đưa lại thu nhập đều cho ngành du lịch và người dân trong tỉnh. Tới đây các doanh nghiệp làm du lịch, các địa phương trong tỉnh và người dân các vùng làm du lịch cộng đồng cùng hợp tác khai thác sản phẩm du lịch, đồng thời có trách nhiệm giúp đỡ người dân đưa sản phẩm nông nghiệp ra thị trường hoặc tiêu thụ ngay trong vùng du lịch.
Ông Lâm cũng nói rằng, phải luôn tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm tốt và đáp ứng được thị hiếu của du khách, còn nếu chỉ đi theo lối mòn là không phát triển bền vững và mang lại lợi nhuận cao được. Vì vậy tỉnh sẽ luôn tạo mọi điều kiện, môi trường đầu và tư kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân khi xây dựng các cơ sở du lịch mới.
Hội thảo cũng đề cập nhiều ý kiến về xây dựng và cung cấp các sản phẩm OCOP từ vùng du lịch nông thôn cho các cơ sở du lịch có lưu trú, liên kết du lịch – dịch vụ – sản phẩm nông nghiệp giữa các địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ưu tiên và khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới, trong đó các sản phẩm OCOP có chất lượng cao và mẫu mã đẹp để trở thành hàng hoá lưu niệm cho du khách.