Quảng Bình phấn đấu có tên trong danh sách các làng du lịch tốt nhất thế giới của UNWTO

(TITC) – Tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Phấn đấu có 01 làng du lịch nông thôn có tên trong danh sách các làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố.

 

Đây là mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 667/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, Kế hoạch đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùng và phát triển bền vừng.

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung của chương trình để thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn 2023 – 2025 và các năm tiếp theo, tạo sự chuyển biến mới  trong phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình – Điểm đến thiên nhiên, hấp dẫn và khác biệt.

Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Quảng Bình phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.

Đồng thời phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, xây dựng 02 – 03 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.

Đáng chú ý, Quảng Bình phấn đấu có 01 làng du lịch nông thôn có tên trong danh sách các làng du lịch tốt nhất thế giới của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố. 

Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.

Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân – Hợp tác xã – Hộ kinh doanh – Doanh nghiệp.

Phấn đấu có 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên thành thạo ngoại ngữ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và cập nhật bản đồ số du lịch Quảng Bình.

Và để đạt được mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:

Về công tác xây dựng văn bản, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu tích hợp, bổ sung trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết nông thôn – đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác công – tư (PPP), hợp tác công – tư – cộng đồng (PPCP) trong phát triển du lịch nông thôn; xây dựng cơ chế quản lý, giám sát và phát triển du lịch nông thôn có sự tham gia của cộng đồng.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải. Và tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách có liên quan phát triển du lịch nông thôn của tỉnh, trong đó ưu tiên hỗ trợ các dự án gắn với phát triển du lịch.

Về đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức

Quảng Bình sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi sáng tác ý tưởng liên quan tới du lịch nông thôn (tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm truyền thông, thiết kế sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng du lịch…).

Về công tác đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm đến

Thực hiện rà soát, điều tra, cập nhật thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn từ đó có cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng của từng vùng miền và từng địa phương.

Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa của từng địa phương trong tỉnh.

Tập trung phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách. Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường. Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm,… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.

Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).

Thực hiện bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao,…; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng.

Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, sản phẩm du lịch, điểm du lịch, làng nghề truyền thống… gắn với xây dựng nông thôn mới.

Rà soát, lựa chọn và tổ chức hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch; liên kết và lồng ghép các địa điểm xây dựng sản phẩm OCOP với quy hoạch chung của địa phương, phù hợp với quy định quản lý, sử dụng đất đai; hướng dẫn và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong nội bộ các điểm được xác định xây dựng OCOP du lịch. Định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP; hỗ trợ tư vấn về nhãn hiệu, mẫu mã… các sản phẩm OCOP phù hợp làm quà tặng du lịch; kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Bình đến du khách trong nước và quốc tế.

Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải.

Về phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng

Quảng Bình yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng.

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, ngoại ngữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch các cấp ở khu vực nông thôn.

Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn triển khai hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân cộng đồng bản địa nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường, có thái độ ứng xử văn minh du lịch.

Tổ chức các chương trình khảo sát học tập kinh nghiệm giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác trên cả nước.

Về công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn

UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; đẩy mạnh quảng bá tại các văn phòng lữ hành, đại lý du lịch trong và ngoài nước.

Tổ chức các lễ hội (đặc biệt là lễ hội văn hóa dân gian, lễ hội các làng nghề truyền thống, đặc sản địa phương theo vùng, miền, hoạt động kết nối du lịch các vùng, miền; truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm.

Tập trung hỗ trợ, tăng cường liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các xã, huyện nông thôn mới có tiềm năng phát triển du lịch với các công ty lữ hành để chào bán các sản phẩm du lịch nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế.

Về ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số

Quảng Bình sẽ lập bản đồ số các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn và tích hợp trên bản đồ số du lịch Quảng Bình, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn.

Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng số, mạng xã hội.

Về liên kết hợp tác về phát triển du lịch nông thôn

Tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả; chia sẻ, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố khác, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn (đặc biệt du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, quản lý và thích ứng rủi ro…).

Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức trong nước và quốc tế cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn.

Xây dựng và tích cực tham gia mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để phục vụ cho kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch.

Tích cực tham gia các mạng lưới, diễn đàn về phát triển du lịch nông thôn ở cấp khu vực và quốc tế; thí điểm mạng lưới kết nối về du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm; giới thiệu và quảng bá các điểm đến du lịch nông thôn Quảng Bình cho du khách.

Trung tâm Thông tin du lịch