Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Thời gian qua, Trung tâm KC-XTTM tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tìm kiếm những giải pháp dành cho doanh nghiệp để có thể triển khai và tận dụng hiệu quả các giải pháp XTTM, hướng tới xuất khẩu hàng hóa bền vững.
Ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc trung tâm cho biết: Đơn vị luôn ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao và các mặt hàng xuất khẩu mới. Đồng thời, triển khai đa dạng các hình thức XTTM một cách hiệu quả, phù hợp với từng ngành hàng, thị trường, đối tượng hỗ trợ; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị chế biến sâu với hàng hóa có chứng nhận, có thương hiệu, giá trị gia tăng cao; tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường trong nước và khu vực.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư chất lượng và kiểu dáng, mẫu mã bao bì sản phẩm
Nhiều hoạt động XTTM được triển khai, thực hiện rầm rộ trong những năm qua, như: Đề án “Tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch với tỉnh Quảng Bình và các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ” năm 2023; hội chợ công thương khu vực Bắc Trung bộ-Quảng Bình 2024; tham gia cụm gian hàng trưng bày, triển lãm quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP, VietGAP, đặc sản,… tại các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm trong nước; tổ chức và hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia các hoạt động XTTM quốc tế tại nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước…
Những hoạt động này đã giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tỉnh Quảng Bình tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán giao thương hàng hóa và cung ứng dịch vụ; duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Điển hình như, hoạt động “Tổ chức đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng với các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ” năm 2023 đã thực sự tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất tiêu biểu quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, nhiều tiềm năng xuất khẩu đến các nhà nhập khẩu đến từ Lào và Thái Lan. Kết thúc hội nghị, đã có 15 biên bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các doanh nghiệp khu vực Bắc Trung bộ và doanh nghiệp nhập khẩu Lào và Thái Lan; trong đó tỉnh Quảng Bình có 9 đơn vị.
Theo Trung tâm KC-XTTM tỉnh, đến thời điểm hiện tại, đã có những tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp nhỏ Quảng Bình. Các sản phẩm nấm sạch chế biến của HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch) đã được trưng bày và bán trên các giá kệ chuỗi Siêu thị Big C tại Thái Lan. HTX sản xuất, mua bán và chế biến thủy, hải sản Vương Đoàn (Quảng Ninh) đã có đơn hàng 9 tấn sản phẩm sang thị trường tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) và thông qua đầu mối tại Lào, cung cấp các đơn hàng sang thị trường Sạ-vẳn-na-khệt với số lượng gần 20 tấn hải sản các loại. Công ty TNHH Linh Huệ (TP. Đồng Hới) đã có sự hợp tác làm việc với Công ty Mekong Herbals (TP. Hồ Chí Minh) để chuẩn bị các phương án cung cấp sản phẩm khoai deo xuất khẩu sang thị trường nước ngoài vào năm 2025.
Còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ, song thực tế, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ vẫn còn rất nhiều lực cản.
Các nhà phân phối nước ngoài quan tâm, tìm hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp Quảng Bình
TX sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) mỗi năm chế biến, xuất ra thị trường từ 50-60 tấn sản phẩm hải sản và tạo việc làm cho 10-15 lao động thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Hiện, HTX có 2 sản phẩm mực khô và nước mắm đạt OCOP 3 sao; đang làm hồ sơ OCOP cho 2 sản phẩm tiếp theo là mực khô rim ăn liền và mắm ruốc.
“Sản phẩm của HTX chúng tôi đã có mặt tại các thị trường trong nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị,… nhưng chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng và qua tay những tiểu thương. Chúng tôi vẫn mong muốn đưa được sản phẩm tiến xa hơn ở thị trường ngoài nước theo đường chính ngạch”, bà Đào Thị Tám, Giám đốc HTX cho hay.
Thực tế, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản Long Tám cũng như nhiều cơ sở sản xuất khác trong tỉnh được tham gia các hoạt động XTTM và đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đến nay, mọi việc vẫn mới chỉ dừng lại ở đó.
“Sở Công thương, Trung tâm KC-XTTM tỉnh tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất của chúng tôi trong việc tham gia các hoạt động XTTM cũng như các thủ tục, hồ sơ pháp lý cần thiết trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên có nhiều hoạt động dù muốn, chúng tôi cũng không thể tham gia được, khi phải tự chủ hoàn toàn về mặt kinh phí”, bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX sản xuất, mua bán và chế biến thủy hải sản Vương Đoàn chia sẻ. Chị Trương Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Linh Huệ chia sẻ: Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Công thương, Trung tâm KC-XTTM tỉnh, công ty đã ký kết 3 biên bản ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp phân phối của nước bạn Lào và Thái Lan. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía tỉnh, ngành Công thương về mặt hồ sơ, thủ tục, kinh phí,…; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến có chiều sâu, để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ chúng tôi có thể có những hợp đồng xuất khẩu hàng hóa ra thị trường. |
Giám đốc Trung tâm KC-XTTM tỉnh Lê Mậu Khánh cho biết: Kinh phí Trung ương và địa phương cấp cho các hoạt động XTTM còn thấp, trong khi nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của doanh nghiệp lại rất lớn. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực tài chính, năng lực XTTM và kỹ năng quản lý; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, tính năng động chưa cao; chất lượng và kiểu dáng mẫu mã bao bì một số sản phẩm vẫn chưa đa dạng, phong phú; sản lượng sản phẩm sản xuất chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng lớn, dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp trên thị trường. Những hạn chế, khó khăn trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động XTTM thời gian qua.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại trong các hoạt động phân phối và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; tập trung nguồn lực cho các hoạt động XTTM chuyên sâu, có tính dài hạn. Đơn vị cũng sẽ phối hợp, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ hoạt động XTTM từ Trung ương và địa phương nhằm tổ chức các hoạt động XTTM gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ trong tỉnh đến người tiêu dùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác thông tin XTTM”, ông Lê Mậu Khánh khẳng định.
Hương Lê
Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn