Quảng Bình: Hợp tác xã thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP

Không chỉ đẩy mạnh liên kết sản xuất, những năm qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã chủ động, tích cực tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khẳng định tên tuổi nhờ sản phẩm OCOP

Phát triển các HTX gắn với sản phẩm OCOP giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Với tính linh hoạt, chủ động, nhạy bén nắm bắt thị trường, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã có các sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như liên kết sản xuất, bao tiêu nguyên liệu, tăng thu nhập cho người dân.

Được thành lập năm 2020, HTX Tinh dầu Như Oanh, xã Nam Trạch (Bố Trạch) hiện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Tràm trà, tràm năm gân, sả chanh, sả Java. Từ khi tham gia chương trình OCOP, HTX không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Hiện, HTX đang quy hoạch vùng nguyên liệu với 35ha sả, 40ha cây tràm năm gân, tràm trà, liên kết với 70 hộ dân trong và ngoài tỉnh để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

HTX Tinh dầu Như Oanh đang mở rộng vùng nguyên liệu để sản xuất tinh dầu

Giám đốc HTX Nguyễn Thị Như Oanh cho biết: Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, HTX cũng đẩy mạnh công tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Gần đây, HTX đã ký hợp đồng cung cấp các sản phẩm tinh dầu cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (24 tạ tinh dầu tràm/năm) và Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Gia vị Sài Gòn (12 tạ tinh dầu sả/năm). Bên cạnh đó, HTX đang kết nối, làm thủ tục để xuất khẩu sản phẩm cho một đối tác tại Nhật Bản với số lượng lớn tinh dầu các loại. Không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu trong tỉnh, hiện HTX còn mở rộng ra các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An để bảo đảm nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chính là điều kiện thuận lợi để khách hàng thêm tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của HTX, góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ trên thị trường, nâng cao giá trị nông sản.

Chương trình OCOP mới được triển khai những năm gần đây trên địa bàn tỉnh nhưng đã cho thấy những hiệu quả tích cực, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận của các chủ thể. Chị Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn cho biết: Hiện, HTX có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là mực khô xé sợi, tôm khô và cá bờm trắng; trong đó, sản phẩm cá bờm trắng đã đạt OCOP 4 sao và đã có mặt tại thị trường Lào, Thái Lan, Trung Quốc… HTX đang tiếp tục xây dựng OCOP 3 sao, 4 sao cho các sản phẩm: Ruốc khô, mực 1 nắng, cá cơm, cá nục khô, nước mắm.

Khi tham gia chương trình OCOP, HTX đã được ngành chức năng hỗ trợ kết nối, mở rộng giao thương thông qua các hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP để tiếp cận với các thị trường tiềm năng. Qua mỗi đợt xúc tiến thương mại, HTX tham gia sẽ xác định được phân khúc thị trường tiềm năng cho sản phẩm, học hỏi từ các HTX, các đơn vị đến từ các địa phương khác nhau về quy cách đóng gói, bao bì, nhãn mác cho sản phẩm, từ đó có chiến lược trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, HTX cũng đã ứng dụng công nghệ máy móc hiện đại với công suất lớn nhằm giúp tăng thêm thời gian bảo quản, bảo toàn được giá trị dinh dưỡng, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn từ không khí, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khai thác tối đa năng suất lao động, tạo lợi thế cạnh tranh, giải pháp then chốt trong việc mở rộng quy mô sản xuất và gia tăng sản lượng…

Với sản lượng sản xuất hàng năm trên 200 tấn thủy hải sản khô, trên 100 tấn thủy hải sản tươi sống, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động và trên 50 lao động thời vụ với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng; trong đó có nhiều lao động nữ và người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn, gồm 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 140 sản phẩm OCOP 3 sao; trong đó, có 74 sản phẩm (11 sản phẩm OCOP 4 sao, 63 sản phẩm OCOP 3) của 50 chủ thể là HTX.

Nỗ lực tương xứng với tiềm năng

Chương trình OCOP được triển khai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, gia tăng giá trị sản phẩm và lợi nhuận của các chủ thể HTX; đồng thời khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Qua đó, từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín; tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Hiện, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, xây dựng sản phẩm OCOP để đưa hàng hóa vươn ra thị trường góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người lao động. Các HTX mới thành lập đang dần có định hướng phát triển theo xu hướng công nghệ cao; phát triển đa dạng ngành nghề, mở rộng lĩnh vực hoạt động.

Với lợi thế trong tập hợp, liên kết các thành viên, hộ sản xuất và mở rộng vùng nguyên liệu, HTX đang trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng các HTX trong tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác hết; nhiều HTX trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ, năng lực nội tại chưa mạnh, khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, chưa mạnh dạn mở mang ngành nghề, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với lợi thế địa phương và cơ chế thị trường; nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, phần lớn là các sản phẩm thô chưa qua chế biến, các chủ thể HTX tham gia OCOP nhiều nhưng chưa có sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Liên minh HTX tỉnh là cơ quan đầu mối của các HTX trên địa bàn tỉnh nhưng chưa chủ động về phần kinh phí nên việc hỗ trợ cho các HTX đang còn thụ động…

Sự gia tăng số lượng sản phẩm OCOP là bước tiến quan trọng, nhưng để duy trì và phát triển bền vững, các HTX cần tiếp tục đổi mới quy trình sản xuất, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho các HTX ứng dụng khoa học công nghệ; tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; giúp các HTX tiếp cận với chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho HTX; hỗ trợ HTX chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp số, nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức học tập thực tế các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả ở các tỉnh để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm…

Thanh Hoa

Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn