Những sản phẩm tiềm năng
Năm 2021, thương hiệu yến sào Sơn Hải của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sơn Hải, xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) ra đời. Với vùng đất có điều kiện khí hậu khắc nghiệt như Quảng Bình, việc sản phẩm yến sào ra đời được xem là điều đặc biệt, mới lạ. Mặc dù mới xuất hiện trên thị trường nhưng với sự đầu tư bài bản về máy móc và mẫu mã, sản phẩm yến sào Sơn Hải đã tạo được ấn tượng với khách hàng.
Giám đốc công ty Nguyễn Văn Sơn cho biết: Sản phẩm yến sào được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn HACCP, kết hợp công nghệ sấy lạnh nhằm giữ được hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất cho sản phẩm. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất của cơ sở ngày càng được mở rộng thông qua liên kết với các hộ nuôi yến ở trong và ngoài xã, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Sản phẩm cũng được cơ sở đầu tư bài bản về bao bì, nhãn mác và thường xuyên mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các đại lý trên cả nước, sàn giao dịch thương mại điện tử… với khoảng từ 7.000-10.000 hộp/năm, doanh thu đạt khoảng 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Sản phẩm tiềm năng thứ 2 được lựa chọn để “nâng cấp” lên OCOP 5 sao là nước mắm Ngọc Biển. Với nguồn nguyên liệu sử dụng là hải sản tươi ngon được đánh bắt từ các tàu thuyền của địa phương, sản phẩm được chế biến kết hợp giữa phương thức truyền thống và công nghệ hiện đại đã tạo ra hương vị nước mắm đặc trưng riêng.
Nước mắm Ngọc Biển được lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP 5 sao
Anh Nguyễn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) cho biết: Sản phẩm nước mắm Ngọc Biển chế biến truyền thống qua các khâu chọn cá, muối, trộn cá, kết hợp công nghệ hiện đại ủ chượp thông qua các bể lọc tuần hoàn, sau đó nước mắm được chiết xuất qua các van xả ở đáy bể. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản và đạt chứng nhận ISO 22000:2018. Sản phẩm hiện đã đạt OCOP 4 sao, số lượng trung bình bán ra từ 50.000-60.000 lít/năm, doanh thu đạt 2,5-3 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm thứ 3 được chọn lựa cũng là sản phẩm nước mắm nhưng nguyên liệu chế biến được làm từ mực. Đây là sản phẩm mới lạ và chưa có ở thị trường trong tỉnh. Sự mới lạ và độc đáo của sản phẩm cùng với quy trình sản xuất bảo đảm đã giúp nước mắm mực Thanh Quang của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Thanh Quang (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) có nhiều tiềm năng xây dựng đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Sản phẩm do công ty tự nghiên cứu và sản xuất dựa trên công nghệ sản xuất nước mắm theo quy trình 8 bước: Tiếp nhận và xử lý nguyên liệu, bảo quản bằng muối, trộn muối và vào chượp, gài nén và náo đảo, kéo rút nước mắm, pha đấu, đóng gói, xuất bán. Sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu mực đánh bắt được của địa phương. Do sản phẩm mới sản xuất nên sản lượng trung bình đạt khoảng 8.000 lít/năm, doanh thu đạt 800 triệu đồng, lợi nhuận từ 150 triệu đồng. Sản phẩm đang được xúc tiến hợp tác với các đối tác ở Nhật Bản.
Đồng hành và “tiếp sức”
Nhìn chung, các sản phẩm của những cơ sở được lựa chọn để phát triển lên OCOP 5 sao đều đã có chứng nhận chỉ tiêu chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP và đã đăng ký sở hữu trí tuệ. Thiết kế bao bì, nhãn mác phù hợp và có quy trình sản xuất bài bản, ứng dụng công nghệ, máy móc trong sản xuất, chế biến. Loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng và có thị trường tiêu thụ khá ổn định. Sau khi “chốt” danh sách 3 sản phẩm trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan liên quan đã làm việc với các chủ thể để thống nhất về tư tưởng, thể hiện sự quyết tâm, cùng đồng hành trong quá trình triển khai nâng cấp, phát triển sản phẩm OCOP 5 sao, đưa sản phẩm ngày càng hoàn thiện, vươn xa hơn trên thị trường.
Các sản phẩm được lựa chọn để nâng cấp lên OCOP 5 sao đều là những sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP, cụ thể: Năm 2022, sản phẩm nước mắm Ngọc Biển được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao, năm 2023, sản phẩm yến sào Sơn Hải được công nhận OCOP 4 sao, nước mắm mực Thanh Quang 3 sao. Đây là cơ sở, tiền đề để các sản phẩm hoàn thiện, nâng cấp các tiêu chí phấn đấu đạt OCOP 5 sao trong thời gian tới. |
Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Qua rà soát, đối chiếu với 28 chỉ tiêu tại Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ còn một số tiêu chí khó thực hiện mà các chủ thể đang gặp phải: Giấy phép môi trường, giấy chứng nhận FDA xuất khẩu, xây dựng phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bán hàng, thiết kế lại bao bì, nhãn mác theo hướng hiện đại, sang trọng, thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan hỗ trợ cấp giấy và hướng dẫn các chủ thể thực hiện.
Ngoài thực hiện các tiêu chí khó nói trên, để phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao các sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế. Sản lượng sản xuất của 3 chủ thể đều tăng hàng năm nhưng để đáp ứng điều kiện xuất khẩu, các đơn hàng lớn thì cần phải mở rộng sản xuất, tăng quy mô. Do đó, trong thời gian tới, các chủ thể cần chú trọng đến việc đầu tư mở rộng phát triển sản xuất thông qua các hoạt động ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất và chế biến để gia tăng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua tìm hiểu, đánh giá những ưu điểm, hạn chế của các sản phẩm, tại buổi làm việc với các chủ thể, đoàn đã đề nghị các chủ thể thực hiện quyết tâm trong việc phát triển sản phẩm OCOP, đồng thời đồng hành cùng cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện để tháo gỡ những tiêu chí khó thực hiện, phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trong năm 2024 để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Đ.Nguyệt
Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn