Phiêng Phàng từng là thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Yến Dương, giao thông đi lại khó khăn, người dân chưa biết cách làm kinh tế nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào Dao Quế Lâm ở Phiêng Phàng đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm khi được tiếp cận với các mô hình, dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Con đường đến thôn Phiêng Phàng ngày nay được tô điểm bởi những thửa ruộng bậc thang bên dưới là dòng suối trong xanh uốn lượn, mang đậm nét vùng cao. Dừng chân ở Phiêng Phàng, du khách sẽ vừa được ngắm cảnh núi non hùng vĩ, vừa khám phá những cánh đồng lúa chín vàng thoai thoải theo sườn núi.
Học được cách làm du lịch, bà con người Dao nơi đây đã chủ động dọn dẹp, cải tạo môi trường trong xanh, sạch sẽ, nhân rộng mô hình homestay cùng nhiều trải nghiệm hấp dẫn dành cho du khách.
Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các sản vật địa phương đặc trưng của người Dao Quế Lâm như bánh chưng đen, bánh trôi nước, chiêm ngưỡng cảnh sắc ấn tượng của vùng non nước hùng vĩ với không gian xanh ngát của rừng trúc Pù Lầu và thác Pù Lầu như “dải lụa trắng” vắt trên phiến đá phong rêu tạo cảm giác thư thái, bình yên. Đặc biệt, rừng trúc Pù Lầu là hệ thống rừng trúc tuyệt đẹp nằm trên đỉnh núi Pù Lầu, đây là nơi bà con người Dao Quế Lâm khai thác các dịch vụ du lịch kết hợp với lấy trúc thương phẩm.
Tận dụng nguồn nước trong lành, mát lạnh của suối Pù Lầu, người dân địa phương còn nhân rộng mô hình nuôi cá tầm, cá hồi. Do được chăn nuôi tại vùng nước lạnh, phù hợp nên cho ra những đàn cá chắc thịt, mềm mọng, trở thành đặc sản được nhiều đoàn khách du lịch thưởng thức vào dịp cuối tuần, lễ tết.
Du khách đừng bỏ lỡ dịp thử những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc của đồng bào Dao, hay lựa chọn những sản phẩm thủ công truyền thống được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của đồng bào như túi xách, áo, váy, mũ… để làm quà cho gia đình, bạn bè.
Trung tâm Thông tin du lịch