Phát triển sản phẩm OCOP ở Núi Thành (Quảng Nam): Ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương

Năm 2024 và những năm tiếp theo, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị.

Các sản phâm OCOP của Núi Thành. Ảnh: Văn Phin

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Núi Thành có 28 sản phẩm OCOP đạt hạng sao cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm “Nước yến đóng hủ” của Chi nhánh Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Phát triển Lê Huỳnh (Tam Tiến) đã được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 4 sao.

Các sản phẩm OCOP còn lại đạt hạng 3 sao cấp tỉnh, trong đó năm 2023 có “Tổ yến sấy khô” (Tam Tiến), “Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa”, “Tinh dầu tràm Út Anh” (Tam Anh Nam), “Nước mắm Cô Chung” (Tam Hải), “Chả gà đồi Tam Thạnh” (Tam Thạnh).

Năm 2023, UBND huyện Núi Thành hỗ trợ kinh phí 800 triệu đồng cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn.

Sản phẩm OCOP rau xà lách được đánh giá lại năm 2024. Ảnh: Văn Phin

Ông Nguyễn Ngọc Linh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, năm 2024, địa phương tiếp tục phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, các doanh nghiệp vừa và nhỏ) để sản xuất các sản phẩm OCOP có lợi thế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2024, Núi Thành phát triển mới 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Cụ thể là “Bánh khoai lang phồng rau củ” của hộ kinh doanh Thủy Hà (Tam Tiến), “Bánh đông trùng hạ thảo Cordy” của HTX Nông nghiệp – dược liệu Tam Anh Nam, “Bánh chưng VINACAKE” của Công ty TNHH Trí Tín Thịnh (Tam Xuân 1), “Khô gà thảo dược” của HTX FARM Hố Giang Thơm (Tam Mỹ Tây), “Sữa chua sấy thăng hoa” của Công ty CP Dược liệu Quảng Nam (Tam Xuân 1), “Xúc xích Hiền Trương” của hộ kinh doanh xúc xích Hiền Trương (Tam Mỹ Đông).

Năm nay, huyện Núi Thành cũng tổ chức đánh giá công nhận lại 9 trong số 28 sản phẩm đã đạt hạng sao OCOP đã hết hạn theo quy định.

Để tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, địa phương ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, Global GAP, Organic, HACCP, ISO… Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến.

Núi Thành cũng tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.

Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng…

Văn Pin

Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn