Phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Định: Thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, nét độc đáo văn hóa

Sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa, ẩm thực, các huyện miền núi của tỉnh Bình Ðịnh có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Ðây là hướng đi đang được các cấp, ngành quan tâm, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện An Lão được coi là địa phương có sự quan tâm lớn, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong đó, vùng cao xã An Toàn với khí hậu mát mẻ quanh năm, có rừng nguyên sinh và nét đặc sắc của văn hóa đồng bào Bana bản địa là điểm nhấn. Đến nay, tại xã An Toàn đã hình thành một số dịch vụ, bước đầu thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Kinh doanh hoạt động homestay tại thôn 1, xã An Toàn từ năm 2020, bà Phạm Thị Kênh cho hay: “Du khách đến An Toàn luôn mong muốn được khám phá văn hóa của người dân nơi đây như: Dệt thổ cẩm, đan lát, cồng chiêng. Bên cạnh đó, họ cũng muốn ngắm cảnh, chụp hình tại các thác nước, dòng suối đẹp. Sau đợt dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến với homestay của tôi khá đều, đây là điều hết sức đáng mừng”.

Huyện An Lão từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đến các suối, thác đẹp ở các xã. – Trong ảnh: Khách tham quan thác Bốn Tầng, ở xã An Quang, nằm giữa rừng nguyên sinh hùng vĩ. Ảnh: Dũng Nhân

Từ mô hình đang có dấu hiệu khởi sắc ở An Toàn, huyện An Lão đã có định hướng đầu tư nhiều hơn cho du lịch tại các địa phương. Ông Châu Anh Tế, Trưởng Phòng VH-TT huyện An Lão, cho biết: “Để phát triển du lịch tại các xã trên địa bàn huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng tài nguyên du lịch về thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa của đồng bào Bana và H’re trên địa bàn huyện. Cùng với đó, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đến các suối, thác đẹp ở các xã; bảo tồn các lễ hội văn hóa, thiết chế văn hóa để bà con có điều kiện phát huy văn hóa bản địa”.

Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, nhưng lâu nay, khi nhắc đến Tây Sơn, người ta thường nghĩ ngay đến các điểm du lịch văn hóa – lịch sử, với nhiều di tích, câu chuyện liên quan đến người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Ông Bùi Văn Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “Mục tiêu đặt ra của chúng tôi trong thời gian đến là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, trong đó có việc phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm của tỉnh và kinh phí của huyện, chúng tôi đã đầu tư hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch, trong đó có tuyến đường từ khu du lịch Hầm Hô đến xã Vĩnh An – nơi có thắng cảnh Thác Đổ rất đẹp. Chúng tôi đã quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 với diện tích khoảng 50 ha, thành lập dự án để mời gọi đầu tư, trong đó đặt vấn đề rõ DN khi đầu tư du lịch cần gắn với lợi ích cộng đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân xã Vĩnh An”.

Xem những điệu múa, thưởng thức rượu cần trong không gian đậm sắc màu văn hóa là trải nghiệm khó quên với du khách khi đến các huyện miền núi của Bình Định.  Ảnh: Nguyễn Dũng

Trong khi đó, các huyện có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống khác như Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh cũng có những tiềm năng, lợi thế lớn như: Huyện Vĩnh Thạnh có các tài nguyên du lịch như suối Tà Má, hồ Định Bình, hồ Hòn Lập, Gộp Nước Ló (xếp hạng cấp quốc gia năm 2002). Đặc biệt xã Vĩnh Sơn ở độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với núi rừng hùng vĩ, sông, suối, thác nước còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí như thành đá Tà Kơn, thác Hang Dơi, vườn cam Nguyễn Huệ – Căn cứ địa của nghĩa quân Tây Sơn (được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1995). Một số loài hoa cảnh quan đang được trồng phục vụ phát triển du lịch như: Mai anh đào, anh đào Nhật Bản, cẩm tú cầu… Cùng với đó là nguồn tài nguyên quý giá về văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào Bana K’riêm Vĩnh Thạnh như lễ hội mừng lúa mới, các trò chơi, các điệu dân vũ, các bài cúng, truyền thuyết, kiến trúc nhà sàn, nghề đan lát, dệt thổ cẩm, những làn điệu hát ru, những nhạc cụ dân tộc độc đáo như cồng chiêng, tơ rưng…

Huyện Vân Canh có các di tích, danh lam thắng cảnh: Suối đá Cà Te, suối Phướng, suối Kà Xiêm, làng văn hóa Hà Văn Trên nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm. Trên địa bàn huyện có 11 dân tộc với 28 làng đồng bào dân tộc thiểu số với những truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc… Huyện Hoài Ân có nhiều danh thắng có thể khai thác vào du lịch, như: Thác Đá Yàng (xã Ân Hảo), thác Đổ (xã Ân Nghĩa), thác Trà Kơi (xã Bok Tới), thác Hóc Đèn (xã Ân Mỹ), thác Nước Lương (xã Đak Mang). 3 xã vùng cao Ðak Mang, Bok Tới, Ân Sơn là nơi sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’rê ở địa phương, còn lưu giữ nhiều phong tục, tập quán, dân ca, dân vũ và các lễ hội truyền thống đặc sắc được giữ gìn rất tốt, với nhiều lễ hội dân gian như: Lễ mừng cốm lúa mới của người Bana ở Bok Tới, Đak Mang; lễ cầu vía của người H’rê ở Ân Sơn… cùng với đó là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang; các loại nhạc cụ dân tộc, như đàn t’rưng, đàn blơnkhơng… của đồng bào Bana; bộ chiêng ba chiếc, bộ cồng ba chiếc, trống… của đồng bào H’rê.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến ngày 31.7.2023, tỉnh đã mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 49.747 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa mời gọi được các nhà đầu tư vào các địa bàn An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn. Để khắc phục việc này, vừa qua, Sở KH&ĐT cùng các cơ quan liên quan phối hợp với các công ty, tập đoàn, hãng hàng không lớn… xây dựng chi tiết kế hoạch mời gọi đầu tư du lịch tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Bình Định.

Lê Na

Báo Bình Định Online – baobinhdinh.vn