(TITC) – Đây là một trong
những nội dung quan trọng được đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch
nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được ban hành ngày
02/8/2022 theo Quyết định số 922/QĐ-TTg.
Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Cụ thể đến năm 2025 phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Chương trình cũng hướng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù.
Bên cạnh đó chương trình còn đặt ra mục tiêu ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch có ít nhất một nhân viên thành thạo ngoại ngữ.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn và xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Trong nhiệm vụ về xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững, Chính phủ yêu cầu xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch làng thông minh, du lịch không phát thải.
Ưu tiên các mô hình có sản phẩm du lịch đặc sắc cho từng vùng miền và có hiệu quả kinh tế; hướng tới việc nâng cao ý thức và trách nhiệm của mọi tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch (nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, cộng đồng và du khách,…) trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; có áp dụng các giải pháp về chuyển đổi số; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, chương trình còn đưa ra các nhiệm vụ cụ thể khác như: Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng vùng miền…
Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường; hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa lịch sử, cách mạng.
Về giải pháp thực hiện, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp chính như: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn; Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; Tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; Bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động du lịch nông thôn; Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn; Tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phát triển du lịch nông thôn.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các địa phương triển khai thực hiện chương trình theo tiến độ và quy định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn trong Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn; thu hút khách, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về vùng nông thôn, khảo sát, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông thôn; xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch…
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện kế hoạch bảo tồn, phục dựng, khai thác các hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch; công nhận khu, điểm du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và hỗ trợ xúc tiến, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn ở trong và ngoài nước.
Trung tâm Thông tin du lịch