Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững (phần 1)

Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%. Do đó, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thôn trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.

Du khách quốc tế thích thú với các hoạt động du lịch trải nghiệm làng quê (ảnh: Báo Quảng Nam)

Phát triển du lịch sẽ tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Quan niệm về du lịch nông nghiệp trên thế giới

Theo quan niệm, du lịch nông nghiệp (Agritourism) thực chất là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (Homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê nên du lịch nông nghiệp đã được khẳng định là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững. Do sự ảnh hưởng về xã hội và kinh tế nên hoạt động du lịch nông nghiệp bắt đầu từ châu Âu đã  mở rộng khắp trên toàn thế giới với sự hỗ trợ tích cực từ nhiều chính phủ về chính sách vĩ mô như quy hoạch, tài chính, luật pháp, thương mại và quảng cáo.

Chính phủ các nước đã hướng sự quan tâm của cộng đồng toàn xã hội vào phát triển du lịch nông nghiệp. Danh từ này có thể được dùng khác nhau ở mỗi quốc gia. Ở Italia là “Agri-tourismo” (du lịch nông nghiệp), ở Mỹ là “Homestead” (du lịch trang trại), ở Nhật là “Green-tourism” (du lịch xanh) vì các sản phẩm/sản vật dùng cho du khách bắt buộc phải được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ mang tính bản địa.

Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không chỉ về mặt kinh tế mà còn về các mặt giá trị tự nhiên, văn hóa, xã hội, lịch sử, bảo vệ môi trường. Trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, các nước đều dùng giải pháp này để giảm thiểu khoảng cách bất công giàu nghèo về khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn khi chỉ chú trọng thái quá đến sự phát triển bất động sản đô thị và xây dựng các khu công nghiệp.

Yếu tố hàng đầu của sản phẩm du lịch là sức hấp dẫn đối với du khách. Đối với du lịch nông nghiệp, lịch sử và văn hóa hình thành sản vật giữ một vai trò chính yếu. Để tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa mỗi sản vật đều có lịch sử về nguồn gốc và lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến và quá trình thương mại hóa sản phẩm. Nói cách khác, sản vật mang tính văn hóa địa phương đã được các cộng đồng dân cư nông nghiệp của các làng quê sản sinh ra theo dòng lịch sử tồn tại của mình và rất gắn kết sâu sắc với thiên nhiên bản địa. Đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm rất hấp dẫn cho du khách nếu biết tổ chức và khai thác vì ngoài yếu tố thiên nhiên còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của cả một cộng đồng nông nghiệp làng xóm đã tạo ra các làng nông nghiệp truyền thống với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của mình. Với cách hiểu như trên, làng nghề nông nghiệp truyền thống không chỉ bao gồm các sản phẩm từ các nghề thủ công mỹ nghệ mà còn từ các nghề  trồng trọt chăn nuôi đánh bắt trong nông-lâm-ngư nghiệp. Làm thế nào để phát triển du lịch nông nghiệp gắn kết được với các làng nghề sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp truyển thống mang tính đặc thù của địa phưong và vùng miền ở nước ta là cả một vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Đây chính là câu chuyện “thổi hồn văn hóa” vào sản phẩm du lịch. (Còn nữa)

TS. Đoàn Mạnh Cương
Văn phòng Quốc hội