Phát triển chăn nuôi gắn với du lịch sinh thái: Hướng đi bền vững cho nông nghiệp

(TITC) – Ngày 21/7, tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch sinh thái”. Diễn đàn thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nông dân từ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Biến đổi khí hậu – Thách thức lớn của ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao, các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn… không chỉ làm suy giảm năng suất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi và cơ sở hạ tầng chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tình hình trên đòi hỏi ngành chăn nuôi cần đổi mới phương thức sản xuất, áp dụng các giải pháp công nghệ và tổ chức lại chuỗi giá trị một cách linh hoạt và bền vững.

Ông Võ Văn Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho biết tỉnh đang tập trung tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ưu tiên đầu tư các giống vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương như dê, bò, cừu; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Kết hợp chăn nuôi với du lịch sinh thái – Mô hình đa giá trị

Một điểm nhấn nổi bật tại diễn đàn là việc thúc đẩy mô hình chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái – một hướng đi chiến lược, không chỉ giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn tạo giá trị gia tăng bền vững.

Cụ thể, nhiều mô hình tiêu biểu đã được triển khai thành công như chăn nuôi dê ở Khánh Hòa, Ninh Bình, Phú Thọ… gắn với du lịch trải nghiệm. Mô hình dê sinh sản tại Khánh Hòa với quy mô 300 con dê giống đã chứng minh hiệu quả kinh tế, với lợi nhuận cao gấp gần 4 lần so với cách nuôi truyền thống. Các hộ tham gia còn cải tạo vườn đồi, trồng cây ăn quả, tạo không gian xanh hấp dẫn khách du lịch.

Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, mô hình chăn nuôi cừu sinh sản không chỉ giúp nông dân làm quen với kỹ thuật chăn nuôi hiện đại mà còn thu hút khách tham quan nhờ hình ảnh đàn cừu trên đồi cỏ rộng lớn. Hay như mô hình nuôi vịt biển an toàn sinh học tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Đắk Lắk… giúp người dân thích nghi với điều kiện nước mặn, nước lợ, đồng thời góp phần tái cơ cấu nông nghiệp tại những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, còn có nhiều mô hình trồng trọt kết hợp du lịch sinh thái đã ghi nhận thành công như chè xanh hữu cơ tại Thái Nguyên, cà phê hữu cơ ở Tây Trường Sơn, trồng sen tại Đồng Tháp, Nghệ An, Hà Nội, hay mô hình rau an toàn tại Bắc Ninh, Hà Nội… Tất cả đều hướng đến việc khai thác lợi thế bản địa, gắn sản phẩm với giá trị văn hóa và trải nghiệm du lịch.

Giải pháp toàn diện để phát triển bền vững

Tuy đã có những thành công bước đầu, song các mô hình chăn nuôi – du lịch vẫn đối mặt không ít khó khăn. Phần lớn hộ chăn nuôi còn quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư bài bản, thiếu liên kết và đặc biệt là chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ.

Diễn đàn đã đề xuất nhiều giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ người dân về vốn, đất đai, quy hoạch và đào tạo kỹ thuật. Các trang trại cần cải tạo chuồng trại phù hợp khí hậu, áp dụng mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng các giống vật nuôi thích ứng tốt như dê Bách Thảo, bò Brahman, vịt biển…

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi – du lịch cũng được xem là yếu tố then chốt. Các công nghệ như cảm biến thông minh, phần mềm quản lý, trí tuệ nhân tạo có thể giúp giám sát môi trường, quản lý vật nuôi hiệu quả hơn. Đồng thời, cần thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và đơn vị lữ hành để đảm bảo đầu ra ổn định.

Theo đại diện Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) là đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế nông thôn. Với gần 17.000 sản phẩm OCOP đã được phân hạng từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 115 sản phẩm đạt 4-5 sao cấp quốc gia, đây chính là cơ sở để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập và giữ chân người lao động tại địa phương.

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, yếu tố cốt lõi để phát triển chăn nuôi kết hợp du lịch là sản phẩm phải an toàn, sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và ứng dụng công nghệ hiện đại. Mô hình phải được xây dựng khác biệt, sáng tạo và mang dấu ấn bản địa để thu hút khách du lịch.

Để hướng đến nền nông nghiệp thích ứng và phát triển bền vững, người nông dân cần chuyển đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh hợp tác cộng đồng thông qua các hợp tác xã và coi công nghệ là yếu tố then chốt cho tương lai, ông Lê Quốc Thanh cũng khuyến nghị.

Trung tâm Thông tin du lịch

Danh mục:

Bài viết mới nhất

Theo dõi chúng tôi trên Facebook

Video