Hiện toàn tỉnh có 270 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có 228 sản phẩm đạt 3 sao và 42 sản phẩm đạt 4 sao, có 2 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao. Điều đặc biệt các sản phẩm OCOP như: Nho, táo, măng tây xanh, nha đam, dê, cừu, rong nho, muối… cũng là các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Quảng bá sản phẩm OCOP gắn với phát triển DL trải nghiệm đã và đang là hướng đi mà nhiều chủ thể OCOP trong tỉnh lựa chọn. Đây không chỉ là hướng phát triển kinh tế hiệu quả mà còn góp phần đa dạng, tạo thêm sức sống cho nền “kinh tế xanh” của tỉnh.

ian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc thù của Hợp tác xã Phước Đại (Bác Ái). Ảnh: Văn Nỷ
Là chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm OCOP với hệ thống tham quan trải nghiệm vườn nho và nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ nho như: Rượu nho, mật nho, nho khô… với quy trình sản xuất truyền thống, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã lựa chọn và thành công với hướng đi riêng. Cùng với sản phẩm nho NH01-152 đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, HTX còn có 7 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Nho sấy có đường, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mật nho, rượu nho, táo sấy dẻo, mứt rau câu hồng vân. Những ngày này, khi thời tiết nắng ấm, trái nho ít sâu bệnh, chùm nho căng tròn, độ ngọt đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Đồng thời, cũng là thời điểm HTX đón lượng khách DL đến trải nghiệm khá đông. Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX cho biết: Thời điểm vào đầu mùa hè du khách thường ghé tham quan vườn nho nhiều hơn. Để phục vụ tốt cho du khách, ngoài việc chăm sóc nho đúng tiêu chuẩn để thu hút du khách trải nghiệm hái nho tại vườn, HTX còn có gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương, qua đó tăng cường quảng bá các hoạt động DL, đồng thời giúp du khách mua sắm thuận tiện và hiểu hơn về bản sắc văn hóa, đời sống của bà con nơi đây.

Du khách tham quan gian hàng OCOP tại vườn nho Thái An (Ninh Hải). Ảnh: V.M
Chị Trần Thanh Hoa, du khách đến từ Phú Yên chia sẻ: Đây là lần thứ 2 tôi đi tham quan DL tại Ninh Thuận, trong chuyến này tôi cảm thấy Ninh Thuận đã thay đổi khá nhiều, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, đời sống bà con nâng cao, nhiều cơ sở dịch vụ DL hơn, đặc biệt tại các điểm tham quan DL đều có giới thiệu các sản phẩm OCOP địa phương, rất thuận tiện cho du khách vừa tham quan, vừa mua làm quà. Thông qua các sản phẩm OCOP tôi cũng được trải nghiệm thêm về đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương tại mỗi địa điểm ghé thăm.
Tỉnh ta có tiềm năng phát triển DL rất lớn, mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách. DL chính là một kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua hoạt động DL và khách DL, các sản phẩm này sẽ lan tỏa đi nhiều nơi. Ở chiều ngược lại sản phẩm OCOP là nơi khơi nguồn, phát huy giá trị đặc trưng để lôi cuốn khách DL đến địa phương. Vì thế việc khuyến khích các chủ thể OCOP hướng tới khách DL, đưa sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ DL là một trong những chủ trương mà tỉnh hướng tới để phát triển Chương trình OCOP.
Hiện nay, tỉnh đã có 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Ninh Thuận xác định phát triển sản phẩm OCOP gắn với DL là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều địa điểm DL trải nghiệm, văn hóa cộng đồng nổi bật như: Vườn cây ăn trái Lâm Sơn, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn); làng văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Raglai, Chu Ru xã Phước Bình (Bác Ái); làng nghề làm gốm Chăm Bàu Trúc; làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước) … đều gắn với các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thông qua việc kết hợp DL trải nghiệm, nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh hơn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Du khách xem nghệ nhân Bàu Trúc (Ninh Phước) trình diễn nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm. Ảnh: Văn Nỷ
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP kết hợp DL trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức của các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn về các sản phẩm OCOP DL chưa cao, hình thức truyền thông chưa đa dạng, việc rà soát, hướng dẫn các sản phẩm tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP DL của cấp xã vẫn có mặt còn hạn chế. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ sản xuất có sản phẩm OCOP DL còn chưa cao; hạ tầng, môi trường, cảnh quan ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được những tiêu chí khắt khe theo quy định mới.
Thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP gắn với DL hiệu quả, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xây dựng các tuyến DL cộng đồng kết nối với các vùng sản xuất sản phẩm OCOP. Đồng thời, xây dựng chính sách để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trên thị trường.
Hồng Nguyệt
Báo Ninh Thuận – baoninhthuan.com.vn