Nhận diện các loại hình du lịch nông thôn

Du lịch nông thôn ở Việt Nam được xác định có 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái; với các hoạt động diễn ra ở vùng nông thôn thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác. 


Chế biến các món ăn sử dụng sản phẩm ở Làng rau Trà Quế (Quảng Nam) (Hình chụp trước ngày 27/4)


Du lịch nông thôn (Rural Tourism) được định nghĩa là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã…; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn. 


Hiểu theo cách khác, du lịch nông thôn là chuỗi các hoạt động, dịch vụ và tiện nghi được cung cấp ở khu vực nông thôn, để khai thác các giá trị ở vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của cư dân không ở nông thôn hoặc ở vùng nông thôn khác. Các giá trị tài nguyên ở vùng nông thôn mang tính đặc trưng về văn hóa, lối sống truyền thống làng quê gắn với lao động sản xuất nông nghiệp…


Du lịch nông thôn có nhiều loại hình, ở Việt Nam thì có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Du lịch sinh thái là thưởng ngoạn thiên nhiên và có giá trị văn hóa kèm theo của quá khứ và hiện tại một cách có trách nhiệm, thúc đẩy công tác bảo tồn, ít tác động tiêu cực đến môi trường và tạo các ảnh hưởng tích cực về mặt kinh tế – xã hội cho cộng đồng địa phương ở các khu vực thiên nhiên còn tương đối hoang sơ. Hầu như địa phương nào cũng có loại hình du lịch sinh thái.



Sử dụng phương tiện giao thông là xe đạp sẽ khiến những trải nghiệm du lịch nông thôn trở nên thân thiện hơn (Hình chụp trước ngày 27/4)


Du lịch canh nông hay du lịch trang trại nông nghiệp là du lịch ở vùng nông nghiệp được canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao; là hoạt động trải nghiệm tại trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi, bao gồm canh tác nông nghiệp, thưởng thức sản phẩm nông trại và lưu trú (du lịch trang trại trái cây đồng bằng sông Cửu Long, du lịch vườn chè ở Thái Nguyên, 1 ngày làm nông dân Hội An, Du lịch canh nông ở Lâm Đồng, du lịch trang trại cà phê ở Đắk Lắk…). Đặc biệt, du lịch canh nông là loại hình du lịch đặc sắc ở tỉnh Lâm Đồng, với các trang trại nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa, trà… rất hấp dẫn. 


Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch khai thác các nét nguyên bản chưa được khám phá hết trong cộng đồng; trong đó, cộng đồng địa phương là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho du khách, cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra (có thêm công ăn việc làm, thêm thu nhập), góp phần xóa đói giảm nghèo của địa phương. (Du lịch cộng đồng ở Tây Bắc, Du lịch cộng đồng ở đồng bằng Sông Cửu Long) 


Các loại hình du lịch khác diễn ra ở nông thôn, như du lịch làng nghề, du lịch lễ hội… thực ra đều gắn kết với 3 loại hình du lịch chủ đạo trên. Du lịch nông thôn cũng bao gồm các chuyến thăm vườn quốc gia và công viên công cộng, tham quan danh lam thắng cảnh, nghiên cứu truyền thống và di sản trong khu vực nông thôn để du khách được trải nghiệm những nét hấp dẫn khác vùng đô thị, tiếp xúc với người dân nông thôn, nghỉ ngơi, giải trí và chăm sóc sức khỏe… Du lịch nông thôn còn được viết bằng những cái tên, như: agri-tourism, agro-tourism, farm tours, study tours, farm holidays…



Du lịch sinh thái ở VQG Bidoup – Núi Bà là những bài học về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ môi trường… (Hình chụp trước ngày 27/4)


Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê – gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống. Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn (bản làng, nhà truyền thống), các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng nước…), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông…) gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư. 


Chuỗi giá trị trong du lịch nông thôn phải đến được những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp (hộ dân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp kết nối) và những người hưởng lợi gián tiếp (nông dân tham gia vào cung cấp sản phẩm nông nghiệp trong du lịch, những người có tay nghề, chuyên môn trong việc tạo ra các sản phẩm trong du lịch nông thôn…). Do lợi ích của các cộng đồng dân cư làm du lịch được ràng buộc bởi những quyền lợi trực tiếp hay gián tiếp (cung cấp thực phẩm, nguyên liệu đầu vào cho các hộ dân làm du lịch), nên họ có ý thức xây dựng và tuân thủ các nguyên tắc hay quy định. Tham gia hoạt động du lịch nông thôn, người dân còn có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều đối tượng du khách, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng, tư duy…, đặc biệt là giới trẻ có thể thay đổi suy nghĩ, cải thiện hành vi, thậm chí là có định hướng tương lai thấu đáo hơn.


Nhật Quân