Ngọc Hồi – Kon Tum: Quan tâm phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), thời gian qua, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum tích cực hỗ trợ các chủ thể xây dựng, phát triển các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế tại địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Những năm gần đây, UBND huyện Ngọc Hồi ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền trong hệ thống chính trị và nhân dân địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Để đem lại hiệu quả trong việc thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ngọc Hồi phối hợp với các sở, ban, ngành cử cán bộ, chuyên viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, cử các chủ thể tham gia tập huấn do các sở, ban, ngành chức năng tổ chức liên quan đến các vấn đề về xây dựng phương án kinh doanh, kiến thức về phát triển sản phẩm, thị trường, quản trị sản xuất chất lượng…

Trồng sả Java để chiết xuất tinh dầu mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Ảnh: T.L

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, huyện Ngọc Hồi đã có 17 sản phẩm được đánh giá phân hạng, chứng nhận; hiện nay có 14 sản phẩm đạt OCOP còn hiệu lực.

Năm 2024, huyện Ngọc Hồi tiếp tục hỗ trợ các chủ thể để kiểm tra, đánh giá và công nhận 4 sản phẩm đạt OCOP. Bao gồm: tinh dầu sả Java của Hợp tác xã nông nghiệp Đăk Ang (xã Đăk Ang); mật ong hoa cà phê của hộ kinh doanh Tô Ngọc Định (xã Đăk Xú); hạt mắc ca của hợp tác xã Đức Hân (xã Đăk Kan); chuối sấy dẻo Như Sa của hộ kinh doanh Nguyễn Lệ Như Sa (xã Pờ Y).

Phóng viên Báo Kon Tum đã đến tìm hiểu thực tế tại Hợp tác xã nông nghiệp Đăk Ang. Hiện, sản phẩm tinh dầu sả Java đang được huyện Ngọc Hồi ưu tiên hỗ trợ để xây dựng sản phẩm OCOP.

Từ năm 2023 đến nay, Hợp tác xã nông nghiệp Đăk Ang được hỗ trợ triển khai dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trồng sả Java chiết xuất tinh dầu. Trong đó, được hỗ trợ 45 triệu đồng từ doanh nghiệp liên kết để đầu tư xây dựng lò chiết xuất tinh dầu; hỗ trợ hơn 600 triệu đồng từ nguồn vốn các chương trình MTQG để xây dựng phát triển vùng nguyên liệu, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng tinh dầu để cung ứng cho nhu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Đình Liễu- Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đăk Ang tâm sự: Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Đăk Ang đã phát triển được trên 30ha sả Java với sự tham gia của trên 60 hộ dân. Lá sả Java được cắt 4 lần/năm để chiết xuất tinh dầu, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/ha cho các hộ trồng sả Java. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, sản phẩm tinh dầu sả Java hiện đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục, hồ sơ liên quan, phấn đấu được công nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2024.

Sản phẩm mật ong hoa cà phê của hộ gia đình ông Tô Ngọc Định. Ảnh: TL

Tương tự sản phẩm mật ong hoa cà phê của hộ gia đình ông Tô Ngọc Định, ở thôn Ngọc Tiền (xã Đăk Xú) cũng đang được chính quyền xã Đăk Xú và huyện Ngọc Hồi hỗ trợ quy trình, thủ tục, hướng dẫn làm nhãn mác để đủ điều kiện tham gia đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP vào cuối năm 2024.

Ông Định chia sẻ: Tận dụng mùa hoa cà phê trên địa bàn huyện Ngọc Hồi và các vùng lân cận, gia đình tôi đầu tư 480 thùng ong để thu hoạch mật hoa cà phê. Riêng năm 2023, gia đình thu về gần 5 tấn mật ong, mang lại nguồn thu nhập rất đáng kể. Thông qua việc xây dựng sản phẩm OCOP, tôi mong muốn nâng cao giá trị thương hiệu của sản phẩm mật ong hoa cà phê, cung ứng cho thị trường sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm mật ong hoa cà phê tiếp cận được đa dạng đối tượng khách hàng trong thời gian đến.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi sẽ có thêm 2 sản phẩm mới được đánh giá và cấp giấy chứng nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng lên 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đồng thời, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định; có ít nhất 30-35% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử).

Ông Võ Văn Út- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi khẳng định rằng, từ việc thực hiện OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn được các cấp chính quyền và ngành chức năng tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ phát triển sản phẩm OCOP; phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Song hành với việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Ngọc Hồi đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài huyện, tạo cơ hội để quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập từ các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Tấn Lộc

Báo Kon Tum – baokontum.com.vn