Nghệ An: Phát triển, nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ gắn xây dựng các sản phẩm OCOP

Ngày 15/8, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2517/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, kết nối tiêu thụ hàng hóa góp phần phát triển kinh tế địa phương giai đoạn 2023 – 2027.

Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, chương trình OCOP; phát triển, củng cố, nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, nhất là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ gắn xây dựng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng sản phẩm do hoặc có phụ nữ chủ trì tham gia chương trình OCOP đảm bảo về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời giúp các chủ thể sản phẩm OCOP kết nối tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Hỗ trợ hiện thực hóa 30 ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm OCOP do/có phụ nữ tham gia chủ trì

Mục tiêu cụ thể của Đề án: 100% cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, xã được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ hội viên tham gia xây dựng sản phẩm OCOP; 100% nữ lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) do phụ nữ làm chủ và phụ nữ là chủ hộ đăng ký tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn.

Vận động được 50% HTX và 30% THT do Hội phụ nữ hỗ trợ thành lập có sản phẩm phù hợp tham gia chương trình OCOP.

Mặt khác, hỗ trợ 30 sản phẩm do hoặc có phụ nữ tham gia chủ trì tham gia chương trình OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Hỗ trợ hiện thực hóa 30 ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm OCOP do/có phụ nữ tham gia chủ trì. Hỗ trợ xây dựng 04 cửa hàng trưng bày, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Hỗ trợ tham gia các sàn thương mại điện tử cho 50 sản phẩm OCOP của doanh nghiệp, HTX, THT có phụ nữ tham gia quản lý hoặc có đông lao động nữ; của hộ gia đình có phụ nữ làm chủ hộ có đăng ký kinh doanh.

Triển khai thực hiện thí điểm Đề án tại huyện Quỳ Hợp, Đô Lương và thị xã Hoàng Mai

UBND tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Đề án tại huyện Quỳ Hợp, Đô Lương và thị xã Hoàng Mai để từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hiệu quả.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng và ý nghĩa của sản phẩm OCOP; hướng dẫn, hỗ trợ cho hội viên phụ nữ, doanh nghiệp, HTX, THT do hoặc có phụ nữ tham gia quản lý hoặc có đông lao động nữ tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, xây dựng được sản phẩm gắn với lợi thế của địa phương, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và đến được với người tiêu dùng.

Cùng với đó, kết nối chương trình xây dựng sản phẩm OCOP với đề án khởi nghiệp thông qua việc đề xuất tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong đó quan tâm xây dựng các sản phẩm, đặc sản vùng miền tốt nhất, khác biệt, độc đáo. Đồng thời, tổ chức 01 cuộc thi cấp tỉnh “Phụ nữ khởi nghiệp với sản phẩm OCOP”.

Tổ chức, phối hợp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin, tư vấn, phổ biến quy định pháp luật về xây dựng sản phẩm OCOP cho nữ quản lý, điều hành, lãnh đạo HTX, THT, doanh nghiệp hoặc đơn vị có nhiều lao động nữ đăng ký tham gia chương trình xây dựng sản phẩm OCOP. Nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ trong việc quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt cần khơi dậy tính chủ động của phụ nữ, các nữ chủ thể trong việc tự quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả. Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và nhận diện mô hình, điển hình trong áp dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong quản trị, sản xuất, kết nối, tiêu thụ sản phẩm….

Tư vấn, hỗ trợ thành lập HTX, THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành hoặc tạo việc làm cho nhiều lao động nữ gắn với xây dựng sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng có của từng vùng, từng địa phương, sản phẩm OCOP theo hướng ứng dụng công nghệ cao… để tạo giá trị gia tăng, thương hiệu. Đặc biệt chú trọng hỗ trợ để xây dựng, nâng hạng một số sản phẩm do/có phụ nữ tham gia chủ trì từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao.

Xây dựng 04 cửa hàng (cửa hàng trực tiếp hoặc gian hàng trực tuyến) để trưng bày, quảng bá, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP do/có phụ nữ tham gia chủ trì tại 4 địa phương (Thành phố Vinh và 3 huyện, thị). Tổ chức các cuộc hội thảo quảng bá, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP của hội viên phụ nữĐồng thời phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để tổ chức, tham gia các các hoạt động xúc tiến thương mại khác.

Các đơn vị Hội phụ nữ, từng chủ thể cần chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội để liên kết, ký kết hợp tác đưa các sản phẩm OCOP đến với các đơn vị/đầu mối phân phối lớn, siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng… Ngoài ra, cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện mô hình điểm; việc tổ chức thực hiện Đề án tại các cấp Hội, kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện.

UBND tỉnh giao Hội Liên hiệp phụ nữ là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong cả giai đoạn và từng năm; hàng năm lập dự toán kinh phí trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, phối hợp với các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị, địa phương liên quan để triển khai thực hiện Đề án; báo cáo UBND tỉnh các vấn đề phát sinh để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

PQ (tổng hợp)

Cổng TTĐT tỉnh Nghệ An – nghean.gov.vn