Mặc dù được mệnh danh là “cái nôi du lịch” của thành phố Mỹ Tho, thế nhưng thời gian qua, hoạt động du lịch trên làng du lịch Thới Sơn trầm lắng, nhất là đợt dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hạ tầng, doanh thu, thậm chí một số điểm du lịch chỉ hoạt động cầm chừng. Bứt phá ra khỏi tổng quan chung, đầu năm 2023, từ chủ trương tái phục hồi du lịch và với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, nhất là sự hỗ trợ trực tiếp từ lực lượng khuyến nông thành phố Mỹ Tho, điểm du lịch Bà Chín, ấp Thới Thuận bắt tay xây dựng mô hình “Sản xuất vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái”. Với thâm niên hoạt động du lịch gần 25 năm, chị Nguyễn Thị Kim Thảo, chủ điểm du lịch này nhận thấy muốn thu hút khách, nhất là tạo ấn tượng và dành được thiện cảm của du khách thì cần phải có nét riêng biệt. Vốn sẵn có vườn cây ăn trái rộng hơn 02 ha, cùng với nuôi dưỡng, khai thác ong mật, điểm du lịch Bà Chín mở thêm hoạt động cho khách đi vào vườn cây tham quan, tự tay bẻ trái cây, thưởng thức trái cây tại vườn, tạo sự gần gũi giữa khách và thiên nhiên, khơi dậy được cảm xúc và tạo thêm dấu ấn tích cực cho tour du lịch theo kiểu trải nghiệm.
Hiện toàn xã Thới Sơn có 08 hộ tham gia mô hình “Sản xuất vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái” với tổng diện tích khoảng 20ha. Cùng với các loại trái cây đặc trưng của miền Tây Nam bộ như: bưởi, nhãn, mít, ổi thì chủ vườn còn chịu khó tìm tòi các loại trái cây độc lạ của các vùng miền khác để vườn cây thêm phong phú, đồng thời tạo cảnh quan đẹp, đáp ứng nhu cầu khám phá, chụp ảnh của khách du lịch, nhất là phục vụ nhu cầu tìm tòi, cập nhật kiến thức thực tế của du khách là trẻ em. Điểm khác biệt của mô hình này là tạo không gian du lịch cởi mở, thân thiện thiên nhiên và hấp dẫn, nhất là khách được thưởng thức trái cây tại vườn với chất lượng thơm ngon mà giá lại rẻ hơn trái cây bán ngoài chợ. Ông Huỳnh Thanh Nông, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Mỹ Tho cho biết, để bảo đảm an toàn sức khỏe du khách, cán bộ khuyến nông hỗ trợ các điểm du lịch chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thuốc sinh học và bón phân hữu cơ. Cùng với kiến thiết vườn cây đẹp thì chủ vườn cũng mong muốn cây cho năng suất cao, an toàn thực phẩm để phục vụ trái cho du khách và tăng thêm thu nhập từ việc bán trái cây. Cách làm này đã góp phần khai thác tiềm năng tiêu thụ trái cây từ người tiêu dùng nội địa trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó khăn.
Bình quân mỗi khách du lịch trả cho vườn cây khoảng 45.000 đồng/lượt tham quan. Nếu du khách mua thêm trái cây hoặc mật ong thì điểm du lịch tăng doanh thu thêm 20% so với trước đây. Đồng thời, duy trì việc làm cho lao động địa phương, nhất là tạo động lực để các điểm du lịch trên xã Thới Sơn sau thời gian dài gặp khó khăn có định hướng, có niềm tin để đầu tư phục hồi lại ngành Du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Ông Lê Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Sơn cho biết, tuy chỉ mới đưa vào dịch vụ tham quan, ăn trái tại vườn cây nhưng bước đầu các điểm du lịch này thu được hiệu quả kinh tế khá hơn so du lịch đơn thuần như trước đây. Nhờ tham quan vườn cây, du khách lưu trú lại điểm du lịch lâu hơn và sử dụng các dịch vụ du lịch khác.
Tết và các lễ hội mùa Xuân 2024 sắp về cũng là vào mùa cao điểm hoạt động của du lịch. Hiện các “điểm du lịch vườn cây sinh thái” này cũng đang tập trung nâng cấp, trang hoàng hạ tầng cơ sở, chăm sóc chu đáo vườn cây theo hướng vừa có cảnh quan đẹp, vừa có trái nhiều, trái to, trái ngon và an toàn thực phẩm, với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, sản vật sẵn có của địa phương và khếch trương nét riêng của du lịch miền Tây Nam bộ, tự hào phục vụ du khách một cách tốt nhất. Đặc biệt là góp phần cùng xã Thới Sơn xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.
Kim Nữ
Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang – tiengiang.gov.vn