Giai đoạn 2021-2025, TP. Hồ Chí Minh mở rộng 6 lĩnh vực đánh giá công nhận sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, du lịch, thảo dược.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo. Ảnh: Nguyễn Thủy
Mở rộng lĩnh vực công nhận sản phẩm OCOP
Ngày 27/6, Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn với sự tham gia của đông đảo các chủ thể sản xuất OCOP, sản phẩm tiềm năng, các hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử và các cơ quan ban ngành.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là các vùng nông thôn được Thủ tướng Chính phủ triển khai từ năm 2018.
Tháng 2/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 263 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, xác định Chương trình OCOP là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm xây dựng nông thôn mới.
Năm 2019, TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định triển khai chương trình OCOP đến năm 2020, triển khai thí điểm tại 5 huyện xây dựng nông thôn mới: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn. Trong đó, triển khai công nhận sản phẩm OCOP tập trung ở 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm làng nghề nông thôn truyền thống TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành chương trình OCOP giai đoạn 2021 -2025. Giai đoạn này, TP. Hồ Chí Minh xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu đến 2025 có ít nhất 124 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với các sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao thu nhập người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.
Theo bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở NN-PTNT TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn trước chương trình sản phẩm OCOP chỉ được thí điểm trên địa bàn 5 huyện ngoại thành thì nay đã được triển khai trên toàn Thành phố.
Lĩnh vực đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cũng được mở rộng. Cụ thể mở rộng ra 6 lĩnh vực gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh, du lịch, thảo dược.
Để phát triển sản phẩm OCOP, theo bà Mai, trước đây TP. Hồ Chí Minh đã có triển khai chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay). Từ năm 2011 đến nay, triển khai thông qua các quyết định của UBND TP.
Đến năm 2017 đã được HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay, trong đó có phát triển các sản phẩm nông nghiệp, cũng như phát triển sản phẩm OCOP.
Cụ thể, những chủ thể phát triển sản phẩm OCOP sẽ được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay từ 60-100% tùy từng hạng mục (xây dựng cơ bản 100%, trả công cho người lao động , mua nguyên liệu hỗ trợ từ 60-80%), thời gian hỗ trợ lãi vay tối đa 5 năm cho 1 phương án.
“Hiện nay Chi cục phát triển nông thôn đang tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND TP và trình HĐND TP trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này theo hướng hỗ trợ cho các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, từ 3 sao nâng cao chất lượng lên 4 sao, từ 4 sao nâng chất lên sản phẩm OCOP 5 sao”, bà Mai thông tin.
Sản phẩm OCOP 4 sao mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc của Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (huyện Cần Giờ) tham gia giới thiệu, trưng bày tại nhiều hội chợ, triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Liên kết để phát triển sản phẩm OCOP
Là một trong những doanh nghiệp có hai sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao là mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (huyện Cần Giờ) cho biết, ngay khi được công nhận OCOP đã giúp doanh nghiệp thúc đẩy việc bán hàng được nhanh hơn. Bởi hiện nay, nhiều cửa hàng sản phẩm sạch cũng như người tiêu dùng đón nhận tốt hơn và là cơ hội để thâm nhập các chuỗi siêu thị hiện đại lớn.
“Năm 2022 sản phẩm của chúng tôi bắt đầu lên kệ các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op. Tuy nhiên, tôi cũng mong các hệ thống siêu thị cần có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với các sản phẩm OCOP để tăng sự nhận diện cũng như tiếp cận với sản phẩm OCOP của người tiêu dùng”, anh Tiến nói và cho biết thêm, để sản phẩm OCOP được nhiều người biết đến thì cần sự hỗ trợ của các sở, ban ngành trong việc thúc đẩy truyền thông hơn nữa để người tiêu dùng an tâm và tự tin khi chọn sản phẩm OCOP.
Hợp tác xã Rasafood (Hóc Môn) với 7 thành viên, chuyên sản xuất và cung ứng các loại rau cải ngọt, mùng tơi, rau dền cho các chợ, bếp ăn công nghiệp, cửa hàng thực phẩm, các trường học,
Ông Mai Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Rasafood (Hóc Môn) cho biết, để đạt được chứng nhận OCOP 3 sao đối với sản phẩm cải thìa, HTX đã được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, UBND TP tư vấn, hướng dẫn để hoàn thiện quy trình.
“Sau khi đạt tiêu chuẩn 3 sao, chúng tôi sẽ cố gắng và duy trì, đồng thời tạo thêm được giá trị sản phẩm để các năm tới được tốt hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng tới hoàn thiện quy trình để làm sao một số sản phẩm còn lại đều đạt tiêu chuẩn OCOP”, ông Khánh chia sẻ và cho biết thêm, tham gia sản phẩm OCOP giúp khơi dậy tiềm năng của HTX, đồng thời tạo ra động lực để giúp HTX phát triển các sản phẩm có chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Về phía đơn vị phân phối, đại diện Saigon Co.op cho rằng, các đơn vị chủ thể OCOP, đặc biệt là các tổ hợp tác nhỏ lẻ, các HTX nhỏ, doanh nghiệp muốn xúc tiến thương mại thì cần liên kết với nhau để tìm kiếm kênh phân phối, giao nhận, trưng bày tại các hệ thống siêu thị để tiết giảm chi phí, đem lại hiệu quả.
Rau cải thìa của Hợp tác xã Rasafood (Hóc Môn) đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
Câu lạc bộ OCOP
Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp đánh giá, hiện nay TP. Hồ Chí Minh có 66 sản phẩm OCOP, tuy nhiên số chủ thể đạt OCOP lại không nhiều. Tuy nhiên, điều này không lạ bởi TP.HCM là địa phương cuối cùng của cả nước triển khai chương trình sản phẩm OCOP.
“Đi sau, nhưng TP. Hồ Chí Minh chọn cách “chậm mà chắc”, không đặt câu chuyện số lượng, nhưng làm sao tập trung xây dựng, phát triển để có được sản phẩm OCOP tốt đưa ra thị trường, “sống” được và phát triển được, qua đó giúp tăng kinh tế nông thôn”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng đề nghị, hình thành câu lạc bộ OCOP để là nơi các chủ thể sinh hoạt, cà phê cùng các sở ban ngành, các đơn vị để giải quyết, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các câu chuyện phát triển sản phẩm OCOP.
“Để làm sao những người không muốn vào OCOP hiểu được lợi ích và sẵn sàng tham gia và hiểu về quy trình đánh giá. Để làm sao người có sản phẩm 3 sao biết quy trình nâng chất lên 4 sao, 5 sao…”, ông Hiệp nói.
Nguyễn Thủy
Báo Nông nghiệp Việt Nam – nongnghiep.vn