Măng Lục Trúc chủ yếu được trồng tại xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Xuất phát từ đia lý vùng đất bằng sự cần cù sang tạo bà con nông dân xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang tận dụng nhiều bờ bãi, đồng ruộng khó canh tác, mạnh dạn đẩy mạnh mô hình trồng tre lấy măng lục trúc. Măng Lục trúc Tân Yên là loại cây có quá trình trồng và chăm sóc cũng rất đặc biệt. Cây măng này chỉ ưa phân chuồng hoai mục và một lượng rất nhỏ phân NPK, đặc biệt không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, do bản thân cây trồng không có bệnh nên không có nhu cầu dùng thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa cây măng này rất “dị ứng” với các loại thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc sinh học. Củ măng sau thu hoạch cũng chỉ cần bảo quản lạnh chứ không dùng bất kỳ loại hoá chất bảo quản thực phẩm nào. Do vậy sản phẩm thu hoạch hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cây Măng Lục Trúc trồng một lần có thể cho thu hoạch liên tục trong 10-15 năm mới phải trồng lại. Mùa vụ thu măng cũng kéo dài tới 6 tháng (tháng 4 đến tháng 9 âm lịch), dài hơn tất cả các loại măng khác trên thị trường Việt Nam (như Điền trúc, Bát độ…). Trung bình mỗi gốc tre lục trúc cho từ 10 – 15 kg măng. Măng Lục Trúc có hình thuôn dài như sừng bò, củ măng cho chất lượng cao nhất khi thu hoạch củ vẫn còn nằm trong đất. Màu sắc vỏ vàng sáng, lõi trắng muốt. Vị măng giòn, ngọt và có thể ăn sống được chứ không nhất thiết phải qua chế biến. Đây là điểm đặc trưng của giống măng này. Về thành phần hoá học và dinh dưỡng, qua phân tích cho thấy Măng Lục Trúc có hàm lượng tinh bột, chất xơ và dinh dưỡng cao, không hề có độc tố và đặc biệt rất tốt cho các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Sản phẩm măng lục trúc thường được chế biến ra 3 loại sản phẩm chính gồm: Măng tươi; măng khô; măng ngâm ớt. Măng tre lục trúc hoàn toàn sạch và thơm, giòn, ngon, ngọt nhẹ, có nhiều cách chế biến như làm nộm, luộc, xào, thậm chí có thể ăn sống được nên thị trường cho loại sản phẩm này khá rộng và được đông đảo thực khách ưu chuộng.
Nói đến măng lục trúc Tân Yên thì phải kể đến thương hiệu “Măng Lục Trúc Lâm Sinh”. Hợp tác xã măng Lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu được thành lập từ năm 2018, đến nay HTX đã có hơn 28 thành viên tham gia với diện tích gần 100 ha trồng tre lục trúc, trong đó có 50 ha đang cho thu hoạch măng năm thứ 3, diện tích còn lại sẽ cho thu hoạch vào năm sau. HTX đã dần gây dựng, mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và xây dựng, phát triển thương hiệu “Măng Lục Trúc Lâm Sinh” trở thành một đặc sản có tính đại diện, đặc trưng cho nông sản Bắc Giang nói chung và Ngọc Châu, Tân Yên nói riêng. Bằng sự tự tin về quy trình trồng, chăm sóc, thu hái áp dụng quy trình đặc biệt sẽ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm “Măng Lục Trúc Lâm Sinh” chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giàu dinh dưỡng, hương vị độc đáo và duy nhất. HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu độc quyền và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ cho sản phẩm măng cũng như cây giống. . Sản phẩm Măng Lục trúc tươi Lâm Sinh Ngọc Châu đạt nhiều giải thưởng như: Tóp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng đất Việt năm 2020; sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần thứ III năm 2021; Tóp 50 thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2019; huy chương vàng và danh hiệu sản phẩm, thương hiệu chất lượng cao…Với các ưu việt nói trên mà Măng Lục Trúc hiện nay đã rất nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với nhiều đặc sản khác của Bắc Giang, măng lục trúc Tân Yên đã và đang trở thành đặc sản đại diện, đặc trưng cho nông sản Bắc Giang nói chung và Ngọc Châu, Tân Yên nói riêng. Bên cạnh giá trị kinh tế đem lại cho người dân nơi đây thì món măng lục trúc đã trở thành một ẩm thực hấp dẫn du khách mỗi khi về với vùng đất Tân Yên thượng võ anh hùng.
Bảo Thoa
mybacgiang.vn