Kết nối, mở rộng thị trường
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Công Thương hỗ trợ 157 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh
Thông tin từ Sở Công Thương, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở hỗ trợ 157 lượt DN tham gia hội chợ, triển lãm; 41 lượt DN tham gia kết nối cung – cầu; 45 cơ sở, DN đăng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản vùng, miền,… lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các DN quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong nước và du khách quốc tế; tiếp cận và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng; có kế hoạch sản xuất, kinh doanh thích ứng với xu hướng thị trường.
Là 1 trong 13 DN của tỉnh tham gia Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” tại TP.HCM vào tháng 6/2024, Nông trang Hải Âu (huyện Bến Lức) mang sản phẩm chanh không hạt đến diễn dàn để XTTM. Chủ Nông trang Hải Âu – Nguyễn Hải Âu chia sẻ: “Đến diễn đàn, chúng tôi mong muốn kết nối với cơ quan, DN, tổ chức XTTM tại nước ngoài. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào mạng lưới phân phối ở nước ngoài”.
Còn đối với Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) thì đây là dịp để các DN, đơn vị xuất khẩu, phân phối gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung – cầu hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trên cả nước và xuất khẩu. Cũng thông qua hoạt động này, công ty học hỏi thêm kinh nghiệm từ đối tác, bạn hàng cũng như nắm bắt nhu cầu của khách hàng để phát triển các sản phẩm ngày một tốt hơn.
Một trong những ưu điểm của công tác XTTM mà ngành chức năng tỉnh thực hiện thời gian qua là phối hợp, hỗ trợ các DN, HTX trong tỉnh đưa các mặt hàng nông sản chủ lực vào hệ thống phân phối ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác. Qua đó, góp phần ổn định thị trường tiêu thụ, cải thiện đời sống người dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 DN, HTX, cơ sở sản xuất đã ký kết hợp đồng cung ứng rau, củ, quả vào thị trường TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh – Phạm Văn Phong, từ nguồn vốn khuyến công và XTTM, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh tăng cường hỗ trợ các DN trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, đào tạo lao động lành nghề, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm,… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh luôn theo dõi và nắm bắt sát thông tin, định hướng thị trường và các chương trình XTTM cấp quốc gia của Bộ Công Thương để kết nối cho các DN trong tỉnh tham gia, từ đó DN có định hướng xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sở giới thiệu, triển khai hoạt động XTTM với các tỉnh, thành phố và trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối lớn, điểm bán hàng OCOP trong cả nước.
“Thông qua các hoạt động XTTM, các DN, HTX, cơ sở sản xuất có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm và đặc biệt là sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Mặt khác, giúp người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm chất lượng, đặc trưng do các DN trong tỉnh sản xuất và phân phối. Theo thống kê từ các hoạt động XTTM của DN từ đầu năm đến nay, có hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan tại các gian hàng sản phẩm của tỉnh, trong đó có hơn 1.000 lượt khách giao lưu, trao đổi các thông tin về sản phẩm của địa phương” – ông Phạm Văn Phong cho biết.
Bên cạnh các hoạt động kết nối, XTTM do Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh thực hiện, nhiều DN, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng đang làm tốt vai trò là “cầu nối” để giúp người dân tiêu thụ nông sản.
Người tiêu dùng tham quan khu vực trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại Co.opmart Tân An
Theo Giám đốc Co.opmart Tân An – Nguyễn Thị Hoàng Anh, siêu thị phối hợp Sở Công Thương thực hiện “Tuần lễ sản phẩm OCOP tỉnh Long An”. Có khoảng 15 DN tham dự và giới thiệu sản phẩm OCOP đến khách hàng. Thời gian tới, siêu thị cũng sẽ phối hợp để nhân rộng số lượng các DN tham gia.
Đại diện doanh nghiệp tham gia Tuần lễ sản phẩm OCOP tỉnh Long An giới thiệu sản phẩm cho khách hàng
Các DN trong tỉnh có sản phẩm OCOP sẽ được ưu tiên trưng bày và kinh doanh hàng hóa tại siêu thị hoàn toàn miễn phí. Đồng thời, siêu thị chọn lọc thêm các sản phẩm OCOP khác của tỉnh để bày bán nhằm đa dạng mặt hàng, thu hút khách tham quan, mua sắm.
Huyện Tân Thạnh là địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh, với hơn 643ha. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiêu thụ các sản phẩm từ sen của nông dân vẫn không tránh khỏi tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc bị thương lái khống chế về giá.
Công nhân tại Vựa sen Tâm (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) sơ chế ngó sen tươi
Xuất phát từ mong muốn hỗ trợ nông dân và góp phần phát triển ngành hàng sen của địa phương, anh Võ Văn Tâm – chủ Vựa sen Tâm (ấp 7 Mét, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh), ký kết hợp đồng thu mua ngó sen của người dân với diện tích 50ha, giá thu mua cố định là 20.000 đồng/kg.
Theo anh Tâm, hiện vựa sen của anh là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện Tân Thạnh thu mua ngó sen để sơ chế, chế biến thành các sản phẩm như ngó sen chua, ngó sen chua ngọt, ngó sen tươi hút chân không,… để cung cấp cho các chợ truyền thống, kênh mua bán online, hệ thống siêu thị, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày, vựa sen Tâm thu mua hơn 6 tấn ngó sen tươi.
Tiếp tục đẩy mạnh
Để đưa hàng hóa, sản phẩm của tỉnh “phủ sóng” rộng rãi trên thị trường và hướng đến xuất khẩu bền vững, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM. Trong đó, chú trọng tham mưu, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ XTTM, hỗ trợ về khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đưa sản phẩm Long An trở thành hàng hóa có thương hiệu, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Nhằm đẩy mạnh công tác XTTM, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và XTTM tỉnh sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tăng cường tiêu thụ nông sản qua các kênh liên kết.
Phó Giám đốc Sở Công Thương – Châu Thị Lệ thông tin: “Thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho DN, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động XTTM như tham gia trưng bày tại các hội chợ thương mại, chương trình kết nối giao thương, tuần lễ sản phẩm OCOP,… được tổ chức trong và ngoài tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “phi truyền thống” như liên kết các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và ứng dụng công nghệ thông tin làm phong phú, đa dạng hóa công tác quảng bá nhằm tạo ra cách tiếp cận, giới thiệu mới”.
Bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng tỉnh, các DN, cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm và bảo đảm tiêu chí bảo vệ môi trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh để khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới./.
Bùi Tùng
Báo Long An – baolongan.vn