Long An: Phát triển du lịch từ thế mạnh địa phương

Du lịch nông thôn, trải nghiệm đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Đây là loại hình du lịch cộng đồng, chủ yếu dựa vào thế mạnh của từng địa phương. Tại tỉnh Long An, nhiều địa phương có định hướng phát triển du lịch từ những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cũng như sự hiếu khách và mong mỏi làm du lịch của người dân.

Đưa nghề truyền thống vào du lịch

Lớp tập huấn hướng dẫn viên du lịch dành cho học sinh (HS) THCS và tiểu học tại Khu di tích lịch sử (DTLS) Vàm Nhựt Tảo khai giảng được gần 1 tháng với sự tham gia của khoảng 30 HS đến từ các trường gần khu di tích.

Tham gia tập huấn, ngoài giúp các em hiểu rõ về cuộc đời, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo, HS còn được học kỹ năng thuyết minh, xử lý tình huống, làm việc nhóm, cách thực hiện một số công đoạn dệt chiếu, làm bánh in, làm trống,… để hướng dẫn du khách.

Đây chính là lực lượng nguồn để huyện Tân Trụ phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo.

Học sinh học cách dệt chiếu chuẩn bị hướng dẫn du khách tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ)

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ – Trịnh Phước Trung cho biết: “Địa phương đang trong quá trình phát triển tour du lịch Tân Trụ quê hương em tại Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo. Huyện đầu tư kinh phí, nguyên vật liệu để đưa một số nghề truyền thống vào khu di tích phục vụ khách tham quan tìm hiểu và trải nghiệm khi có nhu cầu. Đây là sản phẩm du lịch kết hợp giữa du lịch lịch sử với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương”.

Thông tin từ Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Truyền Thanh huyện Tân Trụ, dệt chiếu, làm bánh in, làm trống là nghề truyền thống có mặt tại địa phương hàng trăm năm, được người dân gìn giữ và khách hàng đánh giá cao. Đây là những điều mà người dân Tân Trụ dù đi đâu cũng nhớ về.

Hướng dẫn viên tour Tân Trụ quê hương em sẽ là học sinh

Tour du lịch Tân Trụ quê hương em được xây dựng nhằm khai thác những nét đặc trưng của địa phương. Muốn làm được điều đó, trước hết cần có sự đồng lòng giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN). Từ chủ trương, chính sách, kinh phí của địa phương cùng sự đồng thuận, hỗ trợ của người dân về nhân lực, tinh thần sẵn sàng học hỏi và làm du lịch, DN sẽ chịu trách nhiệm thiết kế, đào tạo, vận hành tour trở thành một điều đáng nhớ trong lòng du khách.

Cũng bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông và DN, huyện Đức Hòa vừa triển khai thành công chuyến Famtrip Đức Hòa – Sức sống mới với sự tham gia của trên 40 đơn vị lữ hành, truyền thông cùng các chuyên gia trong và ngoài tỉnh. Hành trình đã đưa du khách tham quan những địa điểm du lịch được đầu tư xây dựng với quy mô lớn như vườn thú Mỹ Quỳnh, West Lakes Golf & Villas, DTLS Nhà ông Bộ Thỏ,…

Đặc biệt, trong hành trình, du khách được tìm hiểu về làng nghề chằm nón lá của xã An Ninh Tây, tự tay vẽ, trang trí những chiếc nón lá cho riêng mình. Nghề chằm nón được công nhận là nghề truyền thống tại huyện Đức Hòa.

Nón lá là biểu tượng gắn liền với phụ nữ Việt Nam nên việc đưa nghề chằm nón vào du lịch nhận được sự ủng hộ của cả người dân địa phương lẫn du khách.

Hoạt động chằm nón và trang trí nón lá được đưa vào Famtrip Đức Hòa – Sức sống mới trong tháng 6/2023

Để có được chuyến Famtrip hoàn chỉnh và chuỗi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đức Hòa nói chung, huyện cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch, một số DN khảo sát thực tế nhằm thiết kế chương trình, hoạt động phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Tìm kiếm và khai thác tiềm năng

Tỉnh có 15 huyện, thị xã, thành phố, được chia thành 3 vùng: Vùng thượng, vùng hạ và vùng Đồng Tháp Mười. Mỗi địa phương đều có những nét đặc trưng riêng. Xu thế tìm kiếm và phát triển đặc trưng đó đang được nhiều địa phương đẩy mạnh.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Thạnh – Trần Lưu Niệm cho biết, huyện đang trong quá trình thiết kế tour du lịch khai thác thế mạnh của địa phương. Một trong những nơi được chọn làm điểm nhấn là vườn trái cây thuộc xã Tân Lập.

Đây là xã có trồng nhiều cây ăn trái của huyện. Từ khi hệ thống đê bao được xây dựng khép kín, diện tích vườn trái cây cũng dần tăng thêm với nhiều loại trái cây như sầu riêng, mít, bưởi,…

Đến vườn trái cây xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, du khách được thưởng thức những món ăn “cây nhà lá vườn” và cảm nhận sự hiếu khách của người dân

Sau quá trình khảo sát, vận động, đa phần người dân trong xã đều đồng thuận phát triển du lịch. Một số người dân đồng ý tự đầu tư kinh phí xây dựng thêm khu vực đón tiếp du khách, sẵn sàng hướng dẫn tham quan vườn trái cây nhà mình.

Đến vườn trái cây xã Tân Lập, du khách được thưởng thức các món ăn dân dã “cây nhà lá vườn”, cảm nhận sự hồn hậu và hiếu khách của người dân địa phương; được tham quan vườn cây, tự hái và mua trái cây tại vườn. Ngoài ra, du khách có thể tận mắt quan sát cách nông dân xử lý cho vườn trái cây ra hoa trái vụ, lắng nghe những nông dân chân chất kể về hành trình tiến tới nông nghiệp sạch.

Là chủ vườn mít và bưởi rộng 1ha, ông Nguyễn Văn Minh (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập) cho biết, ông rất vui lòng đón khách du lịch đến tham quan vườn nhà mình. “Nghe Nhà nước triển khai về việc phát triển du lịch, tôi thấy rất hay. Xã vừa đầu tư mở rộng đường giao thông và đang vận động trồng cây dọc theo suốt tuyến đường. Để phục vụ được du khách thì vườn phải đẹp nên tôi cũng cố gắng đầu tư chăm sóc vườn” – ông Minh nói.

Mỗi địa phương đều có thế mạnh và điểm nhấn riêng, việc phát triển du lịch dựa trên lợi thế đó sẽ giúp sản phẩm du lịch của các huyện không trùng lặp mà còn góp phần bổ sung cho nhau, tạo thành những mảnh ghép hoàn hảo làm nổi bật hình ảnh du lịch Long An. Điều này đã và đang được nhiều địa phương trong tỉnh ráo riết triển khai, thực hiện.

Vườn bưởi sai trái ở xã Tân Lập

Đây là lần đầu tiên chúng tôi xây dựng mô hình du lịch với hướng dẫn viên là học sinh. Mô hình này khá mới mẻ tại Long An nhưng được nhiều nước khác thực hiện rất thành công. Đồng hành với huyện Tân Trụ trong Dự án phát triển tour Tân Trụ quê hương em lần này, điều chúng tôi kỳ vọng nhất là tạo sự khác biệt trong dịch vụ du lịch. Phân khúc khách hàng nhắm đến của tour cũng là học sinh. Các em sẽ được nghe chính những bạn cùng trang lứa thuyết minh, hướng dẫn, tạo nên sự thu hút, hào hứng. Bên cạnh đó, khi tham gia làm hướng dẫn viên, các em sẽ hiểu hơn về quê hương mình, vun bồi tình yêu quê hương, đất nước”.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DTM (DTM Travel) – Lê Quốc Thịnh

Trường em học ở gần Khu DTLS Vàm Nhựt Tảo nhưng thông tin em biết về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực không nhiều. Từ khi tham gia tập huấn hướng dẫn viên, em được biết thêm nhiều điều về ông và cảm thấy rất tự hào. Đặc biệt, em còn được học làm bánh in, dệt chiếu,… Khi biết rõ rồi thấy cũng không quá khó và em rất vui khi học được những điều mới”.

Phạm Ngọc Thảo Nguyên – học sinh Trường THCS Nguyễn Thành Nam, huyện Tân Trụ

Phát triển du lịch thì tôi ủng hộ hết mình. Từ trước đến giờ, có ai ngỏ ý muốn tham quan vườn sầu riêng nhà mình, tôi đều đồng ý. Nếu du khách có nhu cầu ăn, uống thì chỉ cần đặt trước, tôi cùng hàng xóm sẵn sàng hỗ trợ hết lòng”.

Bà Đỗ Thị Bay (ấp 3, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh)

Quế Lâm

Báo Long An Online – baolongan.vn