Long An: Huyện Tân Thạnh nỗ lực tìm hướng phát triển du lịch sinh thái

Thời gian gần đây, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng cây ăn quả đang được các cấp chính quyền huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An quan tâm thực hiện. Đây được xem là hướng đi mới để nông nghiệp địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.


Huyện Tân Thạnh đang nỗ lực tìm hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với vườn cây ăn quả

Với hệ thống kênh, rạch chằng chịt, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ quanh năm, huyện Tân Thạnh đã và đang có nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng với những cánh đồng lúa bạt ngàn và những vườn cây trĩu quả.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đang phát triển mạnh. Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện tính đến cuối năm 2023 là hơn 2.513ha. Trong đó, có hơn 1.391ha mít, hơn 76ha chanh, 287,22ha sầu riêng, 12,15ha mãng cầu,…

Sau hơn 5 năm chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, đến nay, nhiều vườn sầu riêng tại xã Tân Lập đã cho thu hoạch và bán được giá khá cao, dao động từ 80.000-100.000 đồng/kg.

Anh Trần Đăng Khoa (ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập) chia sẻ: “Gia đình tôi hiện có khoảng 3ha sầu riêng và 1,5ha bưởi da xanh. Trước đây, gia đình tôi trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi. Hiện vườn sầu riêng của gia đình tôi cũng đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu nên việc bán sầu riêng cũng thuận lợi hơn. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu hoạch được hơn 10 tấn sầu riêng, bán với giá 120.000 đồng/kg”.

Không chỉ có sầu riêng, hiện tại, trên địa bàn xã Tân Lập cũng đang phát triển nhiều mô hình trồng cây ăn quả với tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch sinh thái như bưởi, mít,… Nhìn chung, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng cây ăn quả sẽ giúp nông dân tiết kiệm công sức hơn, thay vì mất công thu hoạch mang đi bán thì có thể thúc đẩy tiêu thụ ngay tại vườn với khách du lịch đến trải nghiệm. Qua đó, giúp nông dân có thu nhập cao hơn so với
việc “trồng cây, bán trái” cho thương lái.

Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh – Lê Thanh Đông cho biết, huyện đang nỗ lực phối hợp các ngành liên quan tìm hướng khai thác, phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng cây ăn quả của địa phương. Huyện tập trung xây dựng vùng cây ăn quả đạt chất lượng cao tại xã Tân Lập, với các loại cây ăn quả chủ lực như sầu riêng, mít, bưởi và chanh. Đồng thời, huyện tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cảnh quan môi trường; đẩy mạnh kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các điểm dừng chân, nơi lưu trú, nghỉ dưỡng,… để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái tại địa phương.

Với sự đồng thuận của người dân và sự quyết tâm của chính quyền địa phương, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng cây ăn quả trên địa bàn huyện Tân Thạnh trong thời gian tới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Đây được xem là hướng đi mới, đầy tiềm năng và phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tiến trình phát triển KT-XH của huyện./.

Bùi Tùng

Báo Long An – baolongan.vn