Một góc Làng nghề trồng mai xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) nhìn từ trên cao
Làng nghề trồng mai hình thành từ năm 2004 do anh Trần Văn Thống đưa giống mai từ Bến Tre về trồng tại ấp 4, xã Tân Tây và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Đến năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn phát triển du lịch Long An đến năm 2030.
Theo Đề án, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây phấn đấu xây dựng các điểm du lịch nông thôn, đến năm 2025 có ít nhất 10 hộ và đến năm 2030 có ít nhất 20 hộ tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch tại Làng nghề với các dịch vụ như lưu trú, câu cá, làm mai kiểng, đờn ca tài tử, ăn uống, xe, xuồng chở khách, chụp ảnh,…
Thông tin từ UBND xã Tân Tây, hiện toàn Làng nghề trồng mai xã Tân Tây có 430ha mai vàng với hơn 526 hộ dân trồng mai. Trung bình, mỗi hộ có lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Trưởng ban Đại diện Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Việc phát triển du lịch tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được đánh giá có nhiều tiềm năng. Người dân rất phấn khởi và đồng lòng cùng nhau phát triển du lịch nhằm tạo ra hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mô hình du lịch nông thôn tại xã Tân Tây hiện mới bắt đầu phát triển với một số hộ gia đình thực hiện mô hình điểm. Thời gian tới, người dân tiếp tục phát triển du lịch nông thôn theo hướng mỗi hộcung cấp một sản phẩm, dịch vụ du lịch riêng biệt, hạn chế sự trùng lặp và cạnh tranh lẫn nhau”.
Người dân Làng nghề trồng mai xã Tân Tây chăm sóc mai
Ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4, xã Tân Tây) tận dụng vườn trồng mai sẵn có phát triển du lịch nông thôn với mô hình dịch vụ du lịch có tên Ba Thủy Trăm Điều May. Đây là mô hình dịch vụ du lịch đầu tiên tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây. Mô hình trồng mai gắn với du lịch nông thôn của ông Thủy được kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sinh thái thiên nhiên hiện hữu, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong Làng nghề. Hiện địa điểm du lịch nông thôn này thu hút khá nhiều lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng như ông Thủy, ông Trần Văn Phước (ấp 4, xã Tân Tây) xây dựng điểm du lịch nông thôn kết hợp với karaoke hát với nhau trên khu vườn trồng mai rộng 2ha. Ông Phước đang đầu tư xây dựng thêm các khu nhà sàn trên các kênh đào trong vườn mai để thu hút du khách.
Điểm du lịch nông thôn của hộ gia đình ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4, xã Tân Tây)
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaun Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM – Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, hiện tại, Làng nghề chỉ có 2 điểm dịch vụ đơn lẻ và đây chưa được xem là du lịch nông thôn. Bởi du lịch nông thôn không đơn thuần là việc mỗi cá thể phát triển bền vững mà phải là sức mạnh cộng đồng, người dân phải cùng làm, cùng thụ hưởng, cùng bảo vệ sản phẩm và thương hiệu du lịch của làng nghề. Do đó, để phát triển du lịch, Làng nghề trồng mai xã Tân Tây cần thành lập một tổ điều phối du lịch. Tổ điều phối này sẽ đóng vai trò quản lý, phân chia các hộ dân thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một mảng riêng, ví dụ như nhóm ẩm thực, nhóm trải nghiệm, nhóm về đờn ca tài tử hoặc nhóm vận chuyển,…
“Các thành viên của tổ điều phối sẽ cùng ngồi lại với nhau để thống nhất hướng xây dựng sản phẩm du lịch của làng mai; đồng thời, xây dựng cơ chế để phân phối khách và thực hiện các khâu quảng bá, kết nối tuyến, tour. Từ đó, du lịch Làng nghề trồng mai xã Tân Tây sẽ phát triển theo hướng bài bản và có nhiều sản phẩm du lịch hơn” – Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang gợi mở./.
B.Tùng – Hoàng Huy
Báo Long An – baolongan.vn