Tuy Đức là huyện thuần nông, có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện khá đa dạng. Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất với quy mô lớn.
Nổi bật như vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo (trên 8.000ha); vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu tại xã Quảng Tân, Đắk R’tíh (trên 12.000ha); vùng sản xuất mắc ca tại xã Quảng Trực (trên 1.000ha); vùng sản xuất rau xanh tại xã Đắk Búk So, Quảng Tâm (trên 350ha).
Từ các vùng nguyên liệu này, huyện đã phát triển được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, trong đó có 5 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.
Trên địa bàn huyện có nhiều vườn cây ăn trái diện tích lớn như vải, nhãn, sầu riêng, bơ, chôm chôm… được hình thành và phân bố ở các địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện xây dựng thành các điểm du lịch nông nghiệp.
Huyện định hướng phát triển du lịch theo mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái; du lịch trải nghiệm kết hợp nông nghiệp sạch.
Một lợi thế để Tuy Đức phát triển hiệu quả du lịch nông nghiệp là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thác nước, rừng nguyên sinh đẹp.
Hiện nay, điểm du lịch sinh thái rừng Đắk Glun, ở xã Quảng Tâm đã và đang được đầu tư xây dựng. Bước đầu điểm du lịch thác Đắk Glun đã có nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Ngoài ra, Tuy Đức có nhiều khu rừng thông đẹp nằm trên tuyến quốc lộ 14C. Huyện có khoảng 38.890ha rừng tự nhiên, đây là những lợi thế để xây dựng, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong các khu rừng thông, khu rừng phòng hộ….
Trên địa bàn huyện có 61 bộ chiêng; 7 đội nghệ nhân đánh chiêng; 72 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng; 8 đội văn nghệ dân gian. Đây là lợi thế trong duy trì, phát triển các lễ hội, văn hóa truyền thống, cũng như mang đến những tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng.
Để khai thác du lịch, huyện Tuy Đức đang tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, khai thác và phát triển các điểm du lịch tiềm năng sẵn có gồm: Điểm du lịch sinh thái thác Đắk Glun (xã Quảng Tâm), thác Đắk Búk So, hồ nước Đắk Búk So, hồ Doãn Văn.
Từ năm 2012 đến nay, huyện đã khôi phục lễ sum họp cộng đồng, cúng lúa mới, phục dựng cây nêu và nghề đan lát, dệt thổ cẩm. Huyện đã khôi phục lễ hội cồng chiêng, văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc M’nông tại xã Quảng Trực để kết hợp với du lịch tham quan các trang trại sản xuất mắc ca, rau củ quả.
Huyện khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã Đắk R’tíh; xây dựng khu di tích, dấu ấn về phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng.
Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuy Đức cho biết, từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đang hình thành và định hướng phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, có thương hiệu.
Huyện gắn du lịch với việc sản xuất nông nghiệp, các nông sản; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
“
Hai tuyến phát triển du lịch nông nghiệp huyện Tuy Đức đang xây dựng
Tuyến du lịch số 1: Tham quan thác nước thôn 6, xã Đắk Búk So; Khu tích lịch sử đấu tranh của Anh hùng N’Trang Lơng; hồ nước Đắk Búk So; các vườn trái cây, vườn mắc ca, rau xanh, khoai lang; Khu du lịch sinh thái thác Đắk Glun.
Tuyến du lịch số 2:
Tham quan Khu du lịch sinh thái thác Đắk Glun; tham quan thác nước 71; Di tích lịch sử Bia Henri Maitre; các mốc biên giới, thưởng thức cảnh đẹp đồi thông, trảng cỏ hai bên đường bon Đắk Huýt; các vườn mắc ca, thưởng thức rượu cần, tham gia sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc tại xã Quảng Trực.
Hưng Nguyên
Báo Đắk Nông – baodaknong.vn