“Lào Cai có tài nguyên du lịch nông thôn đa dạng, phong phú và đặc sắc, có nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế vượt trội”, Giám đốc Sở Du lịch – Hà Văn Thắng khẳng định.
Phân tích rõ hơn có thể thấy, Lào Cai đang sở hữu tài nguyên mà không phải địa phương nào cũng có, đó là những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của 25 nhóm ngành dân tộc với nhiều lễ hội, làng nghề, chợ phiên nổi tiếng cùng những không gian trải nghiệm độc đáo, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn như Tả Phìn, Tả Van, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Cát Cát (thị xã Sa Pa), Tà Chải, Bản Phố, Tả Van Chư (Bắc Hà), Bản Mế, Cán Cấu (Si Ma Cai), Mường Hum, Y Tý (Bát Xát)…
Trên cơ sở tài nguyên này, tỉnh Lào Cai xác định du lịch là 1 trong 2 đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Từ chủ trương đó, tỉnh tập trung khai thác những điểm mạnh, ưu thế nổi trội, trong đó du lịch nông thôn tạo cảm xúc khác biệt cho du khách trên hành trình khám phá, trải nghiệm tại Lào Cai.
Trên thực tế, khi khái niệm du lịch nông thôn chưa được nhắc đến nhiều thì Lào Cai đã là một trong số ít địa phương quan tâm, đầu tư phát triển dư địa này. Có thể kể đến đầu năm 2000, du lịch cộng đồng với điểm nhấn là cụm homestay ở Tả Van, Bản Hồ (Sa Pa) là bước đi đầu tiên để “đánh thức” du lịch nông thôn. Từ mô hình đầu tiên, đến nay Lào Cai có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống làng, thôn, bản thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Hầu hết điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và từng bước mở rộng sang huyện Bát Xát, huyện Bảo Yên. Toàn tỉnh có 457 cơ sở lưu trú tại gia (homestay) ở thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai và Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm homestay của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa); dân tộc Tày tại xã Tà Chải (Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) được Hiệp hội Du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. |
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó 1 mô hình cấp tỉnh chủ trì, 7 mô hình do đơn vị cấp huyện chủ trì. Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Lào Cai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thực hiện 1 mô hình thí điểm “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên”.
Ông Đỗ Văn Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) khẳng định: Từ khi UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận Nghĩa Đô là điểm du lịch, đặc biệt được lựa chọn thí điểm mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày”, du lịch nông thôn ở Nghĩa Đô đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 2021, khách du lịch đến Nghĩa Đô khoảng 5.000 lượt, năm 2023 đạt hơn 26.000 lượt; năm 2021 cả xã chỉ có 7 hộ làm du lịch thì đến năm 2023 có 20 hộ.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông thôn. Năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã có chính sách cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (1 hộ được vay tối đa 200 triệu đồng/2 người lao động); hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/đội đối với thành lập mới câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian và hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng/đội duy trì hoạt động của câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian. Đến nay đã giải ngân được 22 tỷ đồng cho 224 hộ làm du lịch cộng đồng tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, các huyện: Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Yên…
100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức như xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch chợ phiên, du lịch leo núi, bản đồ Sa Pa, Bắc Hà… |
Với những cách làm trên, du lịch Lào Cai đã có những bước đột phá cả về lượng khách và doanh thu, trong đó có đóng góp không nhỏ của du lịch nông thôn. Theo đánh giá của Sở Du lịch, năm 2023, lượng khách đến Lào Cai hơn 7,2 triệu lượt, trong đó lượng khách đi du lịch nông thôn chiếm 30%, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Tuy đạt kết quả như vậy nhưng du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, bởi còn những cái khó cần giải quyết. Số lượng lao động tham gia du lịch nông thôn chưa nhiều, chủ yếu ở quy mô nhỏ do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức du lịch nông thôn cũng chủ yếu mang tính chất tự phát… Ở một số vùng, vấn đề vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, không khí vẫn diễn ra, chưa khắc phục triệt để.
Một hạn chế nữa đối với du lịch nông thôn của tỉnh là chưa hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Phát triển du lịch nông thôn góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn, đồng thời giúp chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo hướng tích hợp đa ngành. Tuy nhiên, phát triển du lịch nông thôn cần những bước đi thận trọng vì còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc thực hiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch nông thôn; đề xuất, lựa chọn các vùng nông thôn có những ưu thế, có tính khả thi cao để đầu tư, xây dựng mô hình mẫu về du lịch nông thôn, sau đó đánh giá, nhân rộng. Đặc biệt là chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo động lực để phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.
“Điều quan trọng không phải làm tràn lan mà chọn mỗi địa phương một số vùng nông thôn hội tụ các điều kiện cần và đủ. Như vậy, chúng ta sẽ có những điểm du lịch nông thôn vừa đặc sắc, vừa khác biệt trải dài từ địa phương này sang địa phương khác, khiến du khách không nỡ dừng chân”, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.
Vũ Thanh Nam
Báo Lào Cai – baolaocai.vn