Lạng Sơn: Xây dựng mẫu mã, bao bì – Nâng giá trị sản phẩm OCOP

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, trong những năm qua, các cấp, ngành liên quan, các chủ thể của sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã tập trung xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng các sản phẩm OCOP, các chủ thể đã quan tâm đến việc tạo ra mẫu mã, bao bì sản phẩm bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Chủ động từ các chủ thể

Sản phẩm thạch đen được cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng sản xuất từ lâu. Trong những năm qua, bên cạnh đánh giá cao về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng còn ấn tượng với sản phẩm thạch của cơ sở về hình thức, bao bì sản phẩm vừa bắt mắt, vừa có tính độc đáo riêng.

Bà Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh cho biết: gia đình tôi sản xuất thạch để bán từ năm 2010. Nhiều năm liên tục, gia đình chủ yếu đựng thạch vào các xô, chậu và đem ra chợ bán (người dân vẫn gọi là bán thạch cân). Từ năm 2017 trở lại đây, nhận thấy nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng ngày càng cao, gia đình tôi đã tìm hiểu và chuyển dần từ bán thạch cân sang đóng hộp.

Đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Công Sơn, huyện Cao Lộc quảng bá sản phẩm rượu với mẫu mã, bao bì độc đáo tại Hà Nội vào giữa tháng 8/2024

Từ khi xác định xây dựng sản phẩm thạch làm sản phẩm OCOP, gia đình tôi đã thuê người thiết kế bao bì sản phẩm và chuyển từ sử dụng hộp nhựa sang dùng hộp giấy. Mặt khác, gia đình đã tìm tòi, nghiên cứu làm thạch đựng trong ống nứa. Đến năm 2020, sản phẩm “Thạch Chu Hạnh” được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ khi có bao bì sản phẩm mới và được công nhận sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ thạch của gia đình rất tốt. Nếu như năm 2017, doanh thu bình quân của gia đình đạt gần 100 triệu đồng/tháng thì hiện nay, con số này tăng lên trên 200 triệu đồng/tháng.

Tương tự như cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công Sơn, huyện Cao Lộc, chủ thể sản phẩm “Rượu men lá người Dao” được chứng nhận OCOP 4 sao đã tập trung vào phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2021. Bên cạnh duy trì chất lượng sản phẩm, HTX đã chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, từ đó kết nối đến các đơn vị cung cấp các loại mẫu mã, bao bì sản phẩm đa dạng về hình thức. Từ đó, sản phẩm rượu của HTX được nâng cao giá trị. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ được khoảng 10.000 lít rượu, nhờ đầu tư vào mẫu mã, bao bì nên giá trị tăng khoảng 40% so với thời điểm năm 2021 trở về trước.

Cùng với 2 chủ thể sản phẩm OCOP trên, từ năm 2020 đến nay, song song với việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể sản phẩm OCOP còn đặc biệt quan tâm đến mẫu mã, bao bì sản phẩm. Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi triển khai chương trình OCOP đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện đánh giá, phân hạng và công nhận 153 sản phẩm OCOP, trong đó có 23 sản phẩm 4 sao, 130 sản phẩm 3 sao (đến nay còn 110 sản phẩm còn trong thời hạn 36 tháng).

Qua kết quả đánh giá cũng cũng như kiểm tra thực tế của cơ quan chuyên môn, các sản phẩm OCOP đều có mẫu mã, bao bì được cải tiến, nâng cấp đẹp mắt, thu hút hơn so với sản phẩm trước khi được chứng nhận.

Cùng với sự chủ động của các chủ thể OCOP, các cơ quan liên quan cũng đã có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm.

Hỗ trợ từ Nhà nước

Trong sản xuất, kinh doanh, bao bì sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng. Cùng với chất lượng sản phẩm, bao bì góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP, giúp khách hàng nhận diện, truy xuất đầy đủ thông tin sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các sản phẩm OCOP ngày càng được hoàn thiện hơn về nhãn mác, bao bì, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc… tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia vào các chuỗi, siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững.

Để hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP, từ năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện tốt công tác hỗ trợ chủ thể các hoạt động liên quan đến thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP. Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Hằng năm, đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ thể kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã để các chủ thể lên ý tưởng và thiết kế phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; tạo điều kiện hỗ trợ các chủ thể tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP để các chủ thể có thể tìm hiểu, học hỏi và sáng tạo các mẫu mã, bao bì mới phù hợp với sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP…

Cụ thể từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức được trên 850 hội nghị tuyên truyền chuyên đề, lồng ghép về phát triển sản phẩm OCOP với khoảng 37.000 lượt người tham gia; tổ chức 115 lớp tập huấn với khoảng 6.000 lượt người tham gia, trong đó có nội dung liên quan đến xây dựng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan đã hỗ trợ chủ thể OCOP trên 212.000 bao bì, nhãn mác (190.380 bao bì, còn lại là nhãn mác) với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng…

Cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng đóng gói sản phẩm thạch xuất bán ra ngoài thị trường

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước giúp các chủ thể OCOP có thêm nguồn lực để cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng bao bì sản phẩm. Ông Hoàng Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2020, sản phẩm mật ong ngũ gia bì của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Bên cạnh nguồn lực của mình, HTX đã được Nhà nước hỗ trợ hơn 3.000 hộp bao bì đựng mật ong. Khi có bao bì, sản phẩm mật ong của hợp tác xã nhìn bắt mắt hơn, người tiêu dùng biết rõ hơn thông tin về sản phẩm. Bình quân mỗi năm, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 1.000 lít mật ong ngũ gia bì, khi có bao bì, giá trị tăng thêm 10 – 20% so với trước năm 2020.

Từ sự chủ động của chủ thể OCOP cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan liên quan, các sản phẩm OCOP trên địa bàn ngày càng có mẫu mã, bao bì đẹp, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, từ đó tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tham quan các gian hàng giới thiệu nông đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn vào giữa tháng 8/2024 tại khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 đường Hoàng Quốc Việt, thành phố Hà Nội, ông Quách Đình Cường, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội chia sẻ: Trước đây, tôi đã biết đến một số sản phẩm OCOP của tỉnh Lạng Sơn có chất lượng rất tốt như vịt quay, thạch, na… Lần này, điều ấn tượng nhất đối với tôi chính là mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP của tỉnh Lạng Sơn rất đặc sắc, không hề thua kém gì những sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành khác trong cả nước. Chính vì vậy, ngoài mua một số sản phẩm để sử dụng, tôi cũng đã mua thêm một số sản phẩm khác có mẫu mã đẹp, bao bì ấn tượng để làm quà biếu.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm được các chủ thể sản phẩm OCOP cùng các cấp, ngành quan tâm tập trung triển khai thực hiện đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh từ 15 – 20%.

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, việc đóng gói, bao bì sản phẩm là một tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm. Chính vì vậy, việc quan tâm phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tạo sự thu hút người tiêu dùng mà còn trực tiếp góp phần vào kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Tân An

Báo Lạng Sơn – baolangson.vn