Du khách thu hoạch nho tại vườn nho thôn Còn Tẩư, xã Tân Văn, huyện Bình Gia
Những ngày cuối tháng 6/2024, chúng tôi có dịp đến thăm vườn nho của ông Hoàng Văn Ba, thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Sáng sớm nhưng đã có nhiều khách đến vườn để tham quan, chụp ảnh và tự cắt những trùm nho chín mọng mang về làm quà.
Ông Hoàng Văn Ba chia sẻ: Gia đình tôi trồng nho từ khoảng 10 năm về trước, tuy nhiên chủ yếu là bán cho khách đặt hàng trước. Khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình bắt đầu kết hợp phát triển du lịch bằng cách mở cửa cho người dân đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh cũng như học tập kinh nghiệm, với giá 30.000 đồng/vé. Trung bình mỗi vụ nho, gia đình tôi tiếp đón từ 800 đến 1.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thời điểm nhiều khách nhất là vào dịp cuối tuần. Mô hình này đem lại cho gia đình doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho từ 5 đến 8 lao động thời vụ.
Không chỉ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, hiện nay mô hình trồng nho kết hợp du lịch trải nghiệm đã nhân rộng đến một số huyện như: Bình Gia, Văn Quan, Hữu Lũng, Bắc Sơn. Qua tổng hợp số liệu từ phòng chuyên môn các huyện, thành phố, đến nay, toàn tỉnh đã có 11 mô hình như trên.
Để thu hút khách tới tham quan trải nghiệm, các nhà vườn đã đầu tư, cải tạo vườn trồng, xây dựng cảnh quan…Bình quân giá vé tham quan tại các nhà vườn dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/vé; giá nho dao động từ 160.000 đến 200.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ nho, các nhà vườn tiếp đón từ 500 – 800 lượt khách, đem lại doanh thu từ 100 đến 150 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Tâm, chủ vườn nho thôn Còn Tẩư, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2020, tôi đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn nho của gia đình với 300 gốc nho Hạ đen và 100 gốc nho Mẫu đơn xanh. Nhờ đó, tiết kiệm 50% lượng nước, điện năng tiêu thụ và công lao động so với trước đây. Hiện vườn nho của gia đình phát triển rất tốt, trung bình mỗi vụ nho cho thu hơn 8 tạ quả với giá bán từ 140.000 đến 200.000 đồng/kg. Từ năm 2022 đến nay, khi nho có quả và chín dần, tôi bắt đầu đăng lên mạng xã hội (Facebook, Zalo) để bán và được khách hàng trong và ngoài huyện ủng hộ. Để thu hút thêm khách hàng, tôi đã đầu tư thêm các biển bảng chỉ dẫn, định vị trên Google Maps, ghi chú thích, giới thiệu về giống nho, giá trị dinh dưỡng và một số quy định tại vườn. Nhờ đó, lượng khách hàng đến với vườn nho tăng đáng kể.
Anh Đỗ Minh Đức, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội cho biết: Giữa tháng 6/2024, tôi có dịp cùng vợ và con gái đến tham quan tại vườn nho Hạ Đen của anh Hoàng Văn Tâm. Tôi khá bất ngờ vì không nghĩ mô hình trồng nho cũng có tại huyện Bình Gia. Nho không hạt ăn rất ngọt và thơm. Người thân trong gia đình tôi, từ người già đến trẻ nhỏ đều rất thích thú khi đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm và mua sản phẩm tại đây.
Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Gia cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện đang có 5 mô hình trồng nho kết hợp du lịch trải nghiệm. Xác định du lịch nông nghiệp là một trong những lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn, thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện tiếp tục khai thác các sản phẩm nông nghiệp mới để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu của du khách.
Có thể thấy, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sinh thái, gắn với du lịch trải nghiệm đã và đang mở ra hướng đi mới, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Mai Linh – Hồ Dung
Báo Lạng Sơn – baolangson.vn