Lạng Sơn: Mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP

Hiện nay, với sự phát triển của thị trường, các chủ thể OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm đa dạng hóa các kênh bán hàng, từ đó giúp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng hiện đại và bền vững.

Người dân lựa chọn, mua sắm sản phẩm OCOP của tỉnh tại siêu thị Đồng Tiến, thành phố Lạng Sơn

Toàn tỉnh hiện có 113 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 4 sao và 107 sản phẩm OCOP 3 sao. Những năm qua, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận và nắm bắt những xu hướng kinh doanh mới, phát triển thị trường tiêu thụ.

Theo đó, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, các chủ thể OCOP của tỉnh đã chủ động tiếp cận, khai thác và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT), website để giới thiệu và bán sản phẩm. Theo thông tin từ Sở Công Thương, trong 113 sản phẩm OCOP của tỉnh thì hiện đã có khoảng 20% chủ thể đã đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT; hơn 70% chủ thể OCOP quảng bá và bán sản phẩm qua các trang mạng xã hội như: facebook, zalo…

Chị Vương Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông sản Toàn Thương, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Tháng 11/2023, sản phẩm Hồng vành khuyên treo gió và Hồng vành khuyên sấy dẻo của HTX đã được đánh giá, phân hạng là sản phẩm OCOP 3 sao. Để mở rộng kênh tiếp cận khách hàng, tăng hiệu quả kinh doanh, ngoài bán hàng trực tiếp, HTX đã đẩy mạnh việc ứng dụng TMĐT. Theo đó, HTX đã xây dựng website bán hàng trực tuyến với tên nongsantoanthuong.vn và khai thác các sàn TMĐT, mạng xã hội như Shopee, TikTok, Facebook… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện trung bình mỗi tháng, HTX bán ra từ 100 đến 200 sản phẩm thông qua các kênh bán hàng trực tuyến và thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Bên cạnh TMĐT, các chủ thể OCOP cũng chủ động tiếp cận với các kênh bán lẻ lớn, hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… để đưa sản phẩm vào tiêu thụ. Điển hình, một số sản phẩm OCOP như: trà diếp cá Lụa Vy, cao khô Vạn Linh… đã được bày bán trên các kệ hàng của siêu thị Thành Đô, Bình Cam, Đồng Tiến…

Chị Vi Thị Lụa, Giám đốc HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng cho biết: Với mục tiêu phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua những kênh bán lẻ lớn, uy tín, thời gian qua, HTX luôn chú trọng nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối nhằm đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị. Hiện nay, hai sản phẩm OCOP 3 sao của HTX là trà diếp cá và trà ổi rừng đã được đưa vào tiêu thụ tại 3 siêu thị trên địa bàn tỉnh (Đồng Tiến, Bình Cam, Lasvilla) và một số cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng. Hiện trung bình mỗi tháng, số lượng sản phẩm của HTX bán ra thông qua các kênh bán lẻ hiện đại dao động từ 200 – 500 sản phẩm.

Đặc biệt, một trong những kênh bán hàng đã và đang được các chủ thể OCOP khai thác hiệu quả, đó là các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Theo đó, thời gian qua, các ngành, đơn vị liên quan đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 13 điểm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có 3 điểm bán hàng được Sở Công Thương tỉnh hỗ trợ chi phí thiết kế, mua sắm trang thiết bị và 10 điểm bán hàng do các doanh nghiệp, HTX tự đầu tư xây dựng.

Bà Lý Phương Hiền, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nà Làng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia cho biết: Cuối năm 2024, HTX được Sở Công Thương hỗ trợ 170 triệu đồng chi phí thiết kế, mua sắm trang thiết bị (biển hiệu, quầy, kệ, giá trưng bày, các loại tủ bảo quản sản phẩm…) để hoàn thiện, đưa vào hoạt động điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại khối phố Ngọc Quyến, thị trấn Bình Gia. Tại điểm bán hàng, chúng tôi không chỉ trưng bày sản phẩm OCOP 3 sao Trà Mộc Hồ Điệp của HTX mà còn chủ động liên kết với các chủ thể OCOP khác đưa các sản phẩm vào bày bán. Theo đó, hiện nay, điểm bán hàng của HTX đang trưng bày trên 30 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn và một số sản phẩm OCOP của các tỉnh khác như Cao Bằng, Thái Nguyên… Từ khi đi vào hoạt động, điểm bán hàng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng, qua đó, giúp quảng bá và tăng lượng tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, cửa hàng đón tiếp từ 20 đến 30 lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Bà Nguyễn Hồng Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương thông tin: Thời gian qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong việc kết nối, đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại nhiều kênh bán hàng, đặc biệt là TMĐT. Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục tham mưu sở phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội thảo, hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức về TMĐT để các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP tham gia, qua đó, giúp các cơ sở từng bước nâng cao kỹ năng bán hàng, quản lý hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, trong năm 2025, phòng tiếp tục tham mưu sở bố trí nguồn vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đưa vào vận hành 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Theo đánh giá của một số chủ thể OCOP, nhờ việc đa dạng hóa các kênh bán hàng, số lượng tiêu thụ sản phẩm đã tăng từ 30 – 40% so với khi chỉ áp dụng hình thức bán hàng truyền thống, Từ đó, có thể thấy, việc đa dạng hóa các kênh tiêu thụ không chỉ giúp gia tăng hiệu quả kinh doanh cho các chủ thể OCOP mà còn góp phần tích cực vào việc quảng bá, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến người tiêu dùng.

Kim Chi

Báo Lạng Sơn – baolangson.vn