Krông Pa (Gia Lai): Công nhận 17 sản phẩm OCOP

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023 cho 15 sản phẩm và phê duyệt kết quả đánh giá sản phẩm đạt từ 70-100 điểm theo bộ tiêu chí OCOP cho 2 sản phẩm để đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng 4 sao OCOP.


Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP huyện Krông Pa đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Ảnh: Lê Nam

Theo đó, 15 sản phẩm của 8 chủ thể đạt chứng nhận 3 sao gồm: Ba chỉ heo một nắng Tý Vân, bê cuộn hấp sẵn Tý Vân (hộ kinh doanh Tý Vân); Bò một nắng, măng le rừng, heo sọc dưa một nắng, bò khô miếng (hộ kinh doanh Ngọc Thạch); bò một nắng Ama Châu (hộ kinh doanh bò một nắng Ngô Đức Mạo); bò một nắng Hưng Lê (Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Chư Gu); bò gác bếp Quỳnh Ngân, ba chỉ heo một nắng Quỳnh Ngân (hộ kinh doanh Quỳnh Ngân); thịt ba rọi một nắng Nguyệt Viên Food, bò khô sợi Nguyệt Viên Food (hộ kinh doanh Hà Quyết); khô bò Tuấn Hậu (hộ kinh doanh Tuấn Hậu) và bò một nắng Mười Đức, bò khô Mười Đức (hộ kinh doanh Mười Đức).

Đối với 2 sản phẩm của 2 chủ thể đạt từ 70-100 điểm, gồm: bò một nắng Nguyệt Viên Food (hộ kinh doanh Hà Quyết) và bò một nắng Tuấn Hậu (hộ kinh doanh quán ăn Tuấn Hậu) được UBND huyện chuyển hồ sơ và sản phẩm mẫu đề nghị cấp tỉnh đánh giá, phân hạng 4 sao OCOP.

Bò một nắng là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của Krông Pa

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thời gian qua, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký logo, nhãn mác, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, xây dựng website, đăng ký sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, các sản phẩm được hỗ trợ quảng bá tại các phiên chợ nông sản an toàn do huyện và tỉnh tổ chức; được quảng bá trên sàn thương mại điện tử, hội nghị xúc tiến thương mại. Đồng thời, huyện hỗ trợ các chủ thể sản xuất quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm ra thị trường.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. 

Ông Ngô Đức Mạo, Chủ cơ sở sản xuất bò một nắng Ama Châu đang đóng gói sản phẩm để gửi đi cho khách hàng. Ảnh: Lê Nam

“Đồng thời, huyện sẽ tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, trong đó ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh để sản xuất các sản phẩm đặc trưng của địa phương có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân”, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thông tin thêm.

Lê Nam
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn