Làng nghề truyền thống trầu vàng Vị Thủy là điểm du lịch sinh thái, sẽ thu hút khách du lịch khi đến Vị Thủy
Cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch
Dự án Khu du lịch Hồ Nước Ngọt có quy mô 50ha; rừng tràm Việt Úc ở xã Vĩnh Tường sở hữu vườn chim tự nhiên rộng 10ha với các loại chim, cò đặc trưng vùng sông nước miền Tây là điểm nhấn của huyện trong phát triển du lịch. Qua đó, huyện đã hoạch định chiến lược phát triển bền vững qua chuỗi liên kết du lịch rừng tràm Việt Úc – Hồ nước ngọt – làng nghề truyền thống trồng trầu.
Nhắc đến làng nghề truyền thống trầu vàng Vị Thủy, xã Vị Thủy thì du khách gần xa ai cũng biết đến, bởi gần 100 năm qua, dây trầu không chỉ giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Với tiềm năng này, huyện đã triển khai các dự án để hỗ trợ người dân nơi đây duy trì và phát triển trầu. Đồng thời, đầu tư, sửa chữa đường dẫn vào tham quan vườn trầu. Đường mới như mời gọi khách du lịch đến tham quan.
Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc HTX Trầu Vàng Vị Thủy cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm của huyện hỗ trợ kinh phí làm đường đi xung quanh vườn trầu và duy tu, phục hồi lại cái giếng nước của ông hội đồng Tô để du khách đến tham quan. Trong năm qua, cũng đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, các thành viên trong HTX có dự tính làm các loại bánh đặc trưng địa phương, nấu các món ăn dân dã quê hương phục vụ du khách khi đến thăm làng trầu”.
Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết, địa phương có nhiều sản phẩm OCOP mang đặc trưng như: mắm cá lóc, cá sặc Sáu Ngộ; rượu trắng truyền thống, rượu chuối hột rừng Út Hơn; khô cá sặc một nắng rút xương, chanh muối xí muội Hai Vũ và gạo ngon HT. Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực trong phát triển du lịch, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Mô hình du lịch sinh thái đang được người dân ở huyện Vị Thủy hướng tới thực hiện. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch ở huyện, chị Trần Thị Ngọc Diệp, ở thị trấn Nàng Mau đầu tư hơn tỉ đồng để cải tạo lại vườn dừa gần 2ha, xây dựng cảnh quan sinh thái mở quán cà phê sân vườn. Hướng tới khi chuỗi liên kết du lịch đi vào hoạt động, chị sẽ khai thác du lịch miệt vườn để trở thành một trong những điểm đến của khách du lịch khi đến Vị Thủy.
“Để khai thác du lịch mình cần đưa ra một số ý tưởng như áo bà ba, chèo thuyền, phục vụ một số món ăn dân gian. Mình phải tạo những cái đặc trưng để du khách biết đến nét đẹp văn hóa bình dị của vùng quê mình” chị Diệp bộc bạch.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy thông tin, hiện huyện có kế hoạch hỗ trợ, phục dựng lại các di tích, tổ chức sưu tầm các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng của địa phương; củng cố, nâng chất các câu lạc bộ đờn ca tài tử đưa vào phục vụ các điểm du lịch, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương.
Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP
Phát triển du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm nổi bật của địa phương, sản phẩm đạt chuẩn OCOP là mục tiêu của huyện Vị Thủy. Thời gian qua, ngành chuyên môn đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Sản phẩm chả cá thát lát rút xương tẩm gia vị của Tổ hợp tác Lê Nga, ở xã Vĩnh Thuận Tây, vừa được công nhận OCOP 3 sao, tạo cơ hội cho sản phẩm mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, tạo được uy tín và khách hàng biết đến nhiều hơn. Chị Lê Thị Nga, chủ nhiệm Tổ hợp tác cho biết: “Trước kia sản phẩm làm ra ít người biết đến, chủ yếu bán ở địa phương, nhưng khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, sản phẩm bán ra nhiều tỉnh, thành trong nước. Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, tôi chuẩn bị khoảng 100kg để cung ứng ra thị trường”.
Ông Thân Hoàng Vũ, ở xã Vị Thủy, chủ nhân của 2 sản phẩm OCOP 3 sao là khô cá sặc một nắng rút xương và chanh muối xí muội, chia sẻ: “Sau khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến và đặt mua nhiều hơn vì sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trong năm 2023, huyện Vị Thủy có thêm 10 sản phẩm OCOP, nâng tổng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên 28 sản phẩm, trong đó có 5 sản phẩm đạt 4 sao và 23 sản phẩm đạt 3 sao, đã góp phần nâng cao về giá trị hàng hóa nông sản người dân. Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 đến các xã, thị trấn. Trong đó, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn huyện có 32 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, thăng hạng một số sản phẩm có tiềm năng từ 4 sao lên 5 sao và từ 3 sao lên 4 sao. Để đạt được những mục tiêu trên, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp từng địa phương; tập trung phát triển đặc sản, sản phẩm truyền thống, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, xây dựng các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch.
Việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, vừa góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa là cách để tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện Vị Thủy nói riêng và tỉnh Hậu Giang nói chung.
Bài, ảnh: Hữu Hiệp
Báo Hậu Giang Online – baohaugiang.com.vn