Những năm gần đây, huyện Đăk Tô (Kon Tum) rất quan tâm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, hầu hết sản phẩm của địa phương được công nhận OCOP đã khẳng định được chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Năm 2019, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên chính thức đi vào hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gia vị và dược liệu. Trong thời gian ngắn, doanh nghiệp này đã gặt hái thành công, các sản phẩm của công ty có mặt tại nhiều siêu thị lớn, chuỗi hệ thống cửa hàng đặc sản trong cả nước. Năm 2022, doanh thu của công ty đạt trên 5 tỷ đồng từ việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nguyên liệu sâm dây, khổ qua rừng, lạc tiên, ớt, gừng, nghệ…

Chị Lương Thị Mỹ Huệ- Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên chia sẻ: Có được những thành công như hiện nay là nhờ vai trò rất lớn của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP mà ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã đặc biệt quan tâm triển khai. Hiện tại, Công ty có 5 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao gồm trà sâm dây Ngọc Linh DATO, trà khổ qua rừng DATO, trà sâm lạc tiên DATO, khổ qua rừng và nếp cái hoa vàng DATO. Các sản phẩm sau khi đạt OCOP đã được đối tác, khách hàng tín nhiệm hơn; việc kinh doanh gặp rất nhiều thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn so với trước đây.


Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên
. Ảnh: TL

Tương tự, các sản phẩm của Hợp tác xã Ông Tiến Food (thôn 5, xã Tân Cảnh) được khách hàng biết đến và tin tưởng sử dụng, chính là nhờ việc hợp tác xã tiến hành xây dựng sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, hợp tác xã có 2 sản phẩm đạt OCOP gồm Thịt heo rim vị bò và Thịt bò rim vị heo. Doanh thu các sản phẩm này hiện đang tăng trưởng tốt, nhất là tại các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Văn Tiến- Giám đốc Hợp tác xã Ông Tiến Food tâm sự: Trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Ông Tiến Food đã học hỏi, tiếp cận được nhiều kinh nghiệm bổ ích, phục vụ tích cực cho chiến lược sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, hợp tác xã được các cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn quy trình quản trị kinh doanh, cách thức bán hàng hiệu quả trên các nền tảng thương mại số, phương thức chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cách thức làm nhãn mác, bao bì đúng quy chuẩn, có tính thẩm mỹ cao. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP còn được tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, kinh doanh tại các hội chợ xúc tiến thương mại, các sự kiện lớn tại địa phương.

Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay, huyện Đăk Tô đã có 16 sản phẩm của 10 chủ thể OCOP được công nhận đạt hạng OCOP 3 sao; 6 sản phẩm hiện đang được huyện Đăk Tô hỗ trợ để phấn đấu đạt OCOP trong thời gian sớm nhất.


Sản phẩm đạt OCOP được đông đảo khách hàng, người tiêu dùng tin tưởng, tín nhiệm
. Ảnh: TL

Hiện nay, huyện Đăk Tô đang triển khai xây dựng mô hình điểm gắn với định hướng phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP bền vững.

Theo đó, huyện Đăk Tô tiếp tục hỗ trợ nhân rộng vùng nguyên liệu mắc ca gắn chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mắc ca với Công ty Cổ phần Dương gia Kon Tum trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 688ha; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu (gừng, nghệ) gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên với tổng diện tích khoảng 31ha.

Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô ưu tiên lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư, nâng cấp dây chuyền chế biến sản phẩm. Tổng kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho việc xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Đăk Tô trong năm 2023 khoảng 6,836 tỷ đồng.

Trong thời gian đến, huyện Đăk Tô tiếp tục hỗ trợ chủ thể củng cố, duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP. Đồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn lựa chọn, phát triển các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương; tăng cường hỗ trợ các chủ thể về máy móc, thiết bị chế biến, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, bao bì nhãn mác, đăng ký sở hữu trí tuệ để các sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Tấn Lộc