Huyện Cái Bè – Tiền Giang: Làng cổ Đông Hòa Hiệp – điểm đến du lịch hấp dẫn du khách

Ấn tượng đầu tiên khi du khách đặt chân đến đây là hình ảnh những ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam bộ. Các ngôi nhà cổ ở đây nằm đan xen với những vườn cây ăn trái sum sê, tạo nên vẻ đẹp dân dã, thơ mộng, cuốn hút du khách.

Về thăm làng cổ

Từ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, dọc theo Quốc lộ 1A, đến ngã ba Cái Bè, rẽ vào tỉnh lộ 875 khoảng 6 km, chúng tôi tìm về Làng cổ Đông Hòa Hiệp những ngày đầu tháng 12. Nhiều ngôi nhà cổ ở đây được xây cất bằng các loại gỗ quý, mái lợp ngói, cao và rộng theo kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây, nằm ẩn mình bên những dòng sông, vườn cây ăn trái thoáng mát, đã góp phần tạo nên diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác từ cuối thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Các ngôi nhà ở đây dù trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh, nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt.

Du khách tham quan nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức. Ảnh: Võ Nguyên Phú

Ngôi nhà cổ đầu tiên chúng tôi ghé tham quan là ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức. Nhà cổ Ba Đức nằm trên khuôn viên rộng hơn 2 ha, là một trong những ngôi nhà lâu đời nhất tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc phương Tây với cột trụ tròn, mái vòm cong và điêu khắc hoa văn tinh xảo; bên trong là không gian kiến trúc dân gian Nam bộ xưa.

Xung quanh tường trang trí bằng 9 bức vẽ kiểu châu Âu họa khung cảnh làng quê bình dị bên dòng sông. Hơn 170 năm qua, nhà cổ lưu giữ các cổ vật quý hiếm, trong đó có bản “Sắc phong thần” do Vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860. Năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang công nhận điểm du lịch Nhà cổ Ba Đức đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Tiếp tục ghé thăm nhà cổ ông Lê Quang Xoát, chúng tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam bộ. Nhà được khởi công xây dựng năm 1818 đến năm 1821 mới hoàn thành do ông tổ 6 đời trước của ông Lê Quang Xoát là ông Lê Văn Ký đứng ra xây dựng.

Bà Đoàn Thị Trí, chủ nhân của Nhà cổ ông Xoát cho biết, từ ngày tiếp quản căn nhà, hằng năm, gia đình tiến hành phun thuốc diệt mối, mọt để bảo vệ bộ khung gỗ của ngôi nhà.

Trong thời gian tới, sẽ cải tạo khuôn viên nhà, trồng thêm cây trái, hoa tươi tạo cụm tiểu cảnh, từng bước đầu tư phát triển theo hướng phục vụ du lịch, để những giá trị của nhà cổ ông Xoát được nhiều người biết đến.

Một trong những đồ vật trong nhà được mọi người chú ý đó là bộ ván ngựa đôi bằng đá cẩm thạch rất đặc biệt. Bộ ván này có tính năng là mát về mùa hè nhưng lại ấm về mùa đông. Nhiều người sành chơi đồ cổ đã ngõ lời mua nhưng chúng tôi không bán vì đây được xem là vật quý trong nhà.

Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023 được tổ chức thu hút khoảng hơn 6.000 lượt khách, trong đó có khoảng 200 – 300 khách quốc tế. Ảnh: Phan Thắng

Theo đánh giá của UBND huyện Cái Bè, hiện nay, Làng cổ Đông Hòa Hiệp có 7 ngôi nhà cổ được xây dựng cách nay từ 150 năm đến 220 năm và 29 ngôi nhà được xây dựng cách nay từ 80 – 100 năm. Dù qua hơn trăm năm, chịu nhiều biến cố của chiến tranh, thế nhưng những ngôi nhà cổ nơi đây vẫn còn vẹn nguyên kiến trúc độc đáo của người Việt từ xa xưa. Di tích kiến trúc nghệ thuật Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2017.

Để lễ hội là sản phẩm du lịch độc đáo

Đông Hòa Hiệp là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn. Với những lợi thế sẵn có và sự đầu tư của Tổ chức JICA đã làm cho du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp ngày càng khởi sắc.

Theo đó, từ năm 2011, được sự tài trợ của JICA và Trường Đại học Nữ Chiêu hòa (Nhật Bản), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tiền Giang phối hợp với UBND huyện Cái Bè triển khai Dự án “Phát huy vai trò hỗ trợ cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững thông qua du lịch di sản” tại xã Đông Hòa Hiệp.

Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn di sản văn hóa; các cuộc thi hàng rào hoa kiểng đẹp để tôn tạo cảnh quan môi trường trong khu vực làng cổ; phát hành sách ảnh và bản đồ để giới thiệu, quảng bá làng cổ đến khách du lịch.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ du lịch, như mở rộng tuyến đường du lịch, xây dựng cầu đi bộ, nhà nghỉ mát, hệ thống đèn chiếu sáng, bến tàu du lịch…, xây dựng thành Làng cổ Đông Hòa Hiệp, tạo điểm nhấn đặc trưng, hấp dẫn để thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ đêm ở các ngôi nhà cổ trong làng.

Vào năm 2013, tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã diễn ra Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ I, đây là lễ hội được tổ chức thường niên 2 năm/lần. Vào cuối tháng 11 vừa qua, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2023 diễn ra trong 2 ngày với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí phong phú.

Lễ hội đã diễn ra các hoạt động chính gồm: Phiên chợ quê; Hội thi Làm bánh dân gian; trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP; Hội thi Chưng nghi, mâm ngũ quả; thả đèn hoa đăng; biểu diễn múa lân sư rồng và biểu diễn nghệ thuật; tái hiện nghi thức cúng đình; các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian (kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, đập heo đất…); giao lưu đờn ca tài tử.

Việc tổ chức Lễ hội được kỳ vọng sẽ giúp Làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách khi đến với huyện Cái Bè. Kiến trúc – nghệ thuật Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 2017; trong đó, nhà cổ Ông Kiệt được tổ chức UNESCO trao bằng chứng nhận là Di sản văn hóa. Đây là điều kiện quan trọng để nhân dân và chính quyền địa phương bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa của di sản.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh Tiền Giang đang có dự án quy hoạch, đầu tư xã Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè trở thành làng cổ để thu hút du khách trong và ngoài nước, thực sự là hình mẫu lý tưởng trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước gắn với các nhà cổ của du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Lê Văn Ý, thời gian qua, Làng cổ Đông Hòa Hiệp được biết đến là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Trong thời gian tới, để phát huy tiềm năng, lợi thế của các nhà cổ, ngoài sự nỗ lực của người dân nơi đây cần có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp tỉnh, Trung ương, nhất là nguồn kinh phí để phát triển hạ tầng, bến bãi, đường giao thông phục vụ đi lại của du khách và trùng tu, bảo trì các kiến trúc cổ.

Qua những lần tổ chức, Lễ hội Văn hóa – Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch quan trọng của tỉnh, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Tiền Giang đến với bạn bè, du khách gần xa; đồng thời, khẳng định du lịch là một tiềm năng, lợi thế quan trọng để phát triển của tỉnh nhà. Hy vọng, trong thời gian tới Làng cổ Đông Hòa Hiệp sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn mà du khách không thể nào quên trong hành trình trải nghiệm ở vùng đất sông nước miệt vườn Cái Bè.

Phương Lê

Báo Ấp Bắc – baoapbac.vn