Hậu Giang: Tạo điều kiện để sản phẩm OCOP vươn xa

Là tỉnh có lợi thế về ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi lựa chọn nông sản đặc trưng để thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung các giải pháp phát huy giá trị sản phẩm OCOP, từng bước đưa nông sản địa phương vươn xa.


Hậu Giang đặt mục tiêu thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh trong năm 2024.

Chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt

Theo Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia, toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 92 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, còn lại là sản phẩm OCOP 3 sao.

Tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp và du lịch là hai trong bốn trụ cột của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương để xác định sản phẩm đặc trưng; đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP năm 2024. Hội đồng đã công nhận 8 sản phẩm đạt 3 sao gồm: dưa mắm Điền Long, mắm sặc Điền Long của HTX Dịch vụ nông nghiệp Điền Long, ở ấp 7, xã Long Trị A; cá lóc tẩm sả ớt, cá lóc tẩm gia vị kiểu thái, cá rô phi tẩm sả ớt, cá rô phi gia vị kiểu thái, cá sặc rằn tẩm sả ớt, cá sặc rằn gia vị kiểu thái của Công ty TNHH TM DV Natural Food VINA, khu vực 2, phường Trà Lồng. Trong đó, có 1 sản phẩm dưa lưới của HTX nông sản Mekong Delta Hưng Thịnh, khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thị xã Long Mỹ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 4 sao.

Như vậy, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, thị xã Long Mỹ đã có 45 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong tỉnh và khu vực; điều này cho thấy sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng về vấn đề chất lượng.

Điển hình như sản phẩm cá thát lát tẩm gia vị của gia đình anh Võ Đình Chiến, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ – đơn vị đầu tiên có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 năm trước. Nhờ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, số lượng sản phẩm tiêu thụ của gia đình anh Chiến tăng lên gấp 2 – 3 lần.

Tỉnh Hậu Giang hiện có 266 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.

Hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua một số hệ thống bán hàng lớn, các siêu thị… Một số sản phẩm đã và đang được xuất khẩu qua thị trường quốc tế như EU, Hong Kong; Hàn Quốc… Theo đánh giá, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đều được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng phù hợp như: ISO, VietGAP, GlobalGAP, GMP… cùng với công nghệ sản xuất, chế biến ngày càng tiến bộ, các chủ thể OCOP đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, đổi mới mẫu mã, bao bì, tem nhãn sản phẩm… Từ đó, tạo ra các sản phẩm vừa bảo đảm chất lượng, vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm

Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã hình thành và phát triển được hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đến với các điểm du lịch này, du khách sẽ được tham quan vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi, quy trình sản xuất ở cơ sở, trải nghiệm làm vườn. Bên cạnh đó, du khách có thể tham gia các trò chơi giải trí dân gian, thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản của địa phương; mua các sản phẩm OCOP làm quà lưu niệm. Điều này góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch riêng biệt, vừa đáp ứng thị hiếu của du khách, vừa tăng thu nhập cho người dân.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp và du lịch là hai trong bốn trụ cột của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương để xác định sản phẩm đặc trưng; đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hậu Giang có lợi thế về ngành nông nghiệp và nhiều sản phẩm sinh thái đặc thù.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và hoàn thiện công nghệ chế biến. Tỉnh sẽ rà soát và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP.

Cùng với đó, tỉnh tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông thôn, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường. Hình thành các trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP tại các địa phương để phân phối bán hàng, giải quyết đầu ra. Hỗ trợ cho các địa phương chưa có sản phẩm được công nhận, các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tái công nhận các sản phẩm gần hết hạn.

Năm 2024, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu mỗi huyện tổ chức đánh giá, phân hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 – 4 sao OCOP cấp huyện, ít nhất một sản phẩm đạt 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đối với sản phẩm cấp tỉnh, công nhận ít nhất 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, thăng hạng ít nhất 25% sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh.

Minh Thu
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn