Hậu Giang phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện tỉnh này đang có 175 sản phẩm OCOP được công nhận, bao gồm các sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 3 sao.
Nhiều sản phẩm OCOP của Hậu Giang đã được đưa vào các siêu thị cung cấp cho người tiêu dùng. (Ảnh: K.V) 

Không chỉ chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm mà tỉnh còn sản xuất, tạo ra cácnhãn mác, bao bì đẹp, chất lượng. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung vào tăng cường công tác tuyên truyền về nhãn mác, bao bì cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tập trung hình thành những trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP. Hướng tới, mỗi địa phương trong tỉnh hình thành một trung tâm bán hàng sản phẩm OCOP. Các chủ thể OCOP dựa trên nền tảng này sẽ phân phối bán hàng, giải quyết được đầu ra, nút thắt lớn nhất trong sản phẩm OCOP hiện nay.

Được biết, với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng cho từng địa phương, tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân.

Thời gian qua, nhiều địa phương ở Hậu Giang đã triển khai hiệu quả phát triển các sản phẩm OCOP. Ví dụ ở huyện Phụng Hiệp, để tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện Nghị quyết về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, năm 2023 mục tiêu đề ra của huyện Phụng Hiệp sẽ xây dựng thêm từ 5-7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, để thực hiện được mục tiêu này, Huyện sẽ tập trung hỗ trợ cho các địa phương chưa có sản phẩm được công nhận, với ngành hàng như mật ong rừng, vú sữa hoàng kim, các loại thủy sản khô đặc trưng của từng khu vực trong Huyện. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ để tái công nhận các sản phẩm gần hết hạn. Đặc biệt phối hợp với tỉnh Hậu Giang hoàn thiện hồ sơ cho hai sản phẩm là cá thát lát rút xương tẩm gia vị và rượu đông trùng hạ thảo tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, chủ Cơ sở sản xuất trà mãng cầu Diễm Phượng, huyện Long Mỹ cho hay, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chính là cách để mình trân trọng tự sáng tạo của bản thân mình, bảo vệ sản phẩm, gây dựng niềm tin với khách hàng. Khi đăng ký rồi có thể đi trưng bày được rộng rãi, khách hàng người ta thấy có giấy tờ đầy đủ sẽ yên tâm đặt hàng nhiều hơn.

Để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế và các siêu thị cao cấp, hướng của địa phương là sản xuất theo hướng an toàn, quản lý chất lượng sản phẩm theo quy trình sinh học, truy xuất nguồn gốc.

Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP đã giúp chuyển biến mạnh tư duy của người nông dân từ sản xuất thuần túy sang tư duy về kinh tế sản xuất. Sản phẩm OCOP của các chủ thể được cải thiện về chất lượng, tiêu chuẩn, hệ thống nhận diện, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Cũng theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện Chương trình quốc gia về mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được nhiều thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương.

Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng hay qua các sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản được tốt hơn.

Chính vì vậy, nắm bắt nhu cầu xã hội và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân; thời gian qua, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh loại hình được xem là kinh tế xanh. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang đã hình thành và phát triển được hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Hiện nay, khi đến với các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, du khách sẽ được đi tham quan vườn cây ăn trái, tham quan trang trại chăn nuôi, quy trình sản xuất ở cơ sở, trải nghiệm làm vườn, tham gia nhiều trò chơi giải trí dân gian, thưởng thức ẩm thực với nhiều món ăn đặc sản của địa phương, đồng thời mua những sản phẩm OCOP của địa phương làm quà lưu niệm,…

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, xác định lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế Hậu Giang, do đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 – 2025 của Chính phủ. Trong đó, Hậu Giang đã ban hành được các chính sách về phát triển nông nghiệp, du lịch trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là những nông dân, nhà vườn, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đang dần có sự quan tâm, đầu tư phát triển các địa điểm du lịch nông nghiệp – nông thôn ngày một tốt hơn. Từ những mặt thuận lợi trên đã góp phần vực dậy đáng kể cho lĩnh vực nông nghiệp và du lịch của Hậu Giang trong thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở cho những mục tiêu lớn tiếp theo./.

Bảo Châu (t/h)
Báo điên tử ĐCSVN – dangcongsan.vn